Những khuyết điểm mà bạn thấy ở người khác cũng là món quà cho chính bạn.

865

Vấn đề chúng ta cần nhận ra là, chúng ta thường thấy những khiếm khuyết của người khác thì rất lớn, còn những khiếm khuyết của mình có vẻ rất nhỏ!

Tôi không biết bạn thế nào, nhưng từ nhỏ, bố mẹ đã dạy tôi là không nên dành quá nhiều thời gian để lo lắng rằng trông mình thế nào trong mắt mọi người. Bởi không một ai là hoàn hảo. Tôi cũng không (hoặc là: “Tôi thì càng không!”). Tôi cũng có những khiếm khuyết, những sai lầm, những thiếu sót. Nhưng tôi cũng được bố mẹ dạy rằng, điều quan trọng là chúng ta nhận ra những điểm yếu của mình để cải thiện chúng dần dần. Hay như cách bố tôi nói đùa, rằng những sai lầm của mình đôi khi cũng có mặt tích cực, đó là chúng khiến một số người khác thấy… buồn cười! Có lẽ như thế cũng là đủ lý do để mỗi người không cần phải quá cầu toàn hoặc đánh bóng bản thân.

Hoặc cũng có thể tôi là kiểu người không đánh giá nghiêm túc những điểm thiếu sót của mình. Tôi có thể giống như người đàn ông trong câu chuyện cười này: Ông ta lái xe, mà sau xe dán tấm đề can ghi: “Hãy tắt điện thoại và lái xe!”. Một cảnh sát nhìn thấy tấm đề can đó thì rất hài lòng. Muốn bày tỏ sự khen ngợi người lái xe, anh cảnh sát liền phóng theo bên cạnh chiếc ô tô kia. Nhưng khi anh cảnh sát liếc nhìn qua cửa sổ ô tô, thì anh rất thất vọng khi thấy ông tài xế đang mải mê nhìn vào gương chiếu hậu để… cạo râu. Dù sao thì ông ta cũng không vừa lái xe vừa dùng điện thoại!

Có lẽ việc nhìn thấy khiếm khuyết ở người khác bao giờ cũng dễ hơn. Giống như con lạc đà vậy. Một câu châm ngôn của châu Phi nói thế này: “Con lạc đà không bao giờ nhìn thấy cái bướu của chính mình, nhưng cái bướu của anh em của nó thì lúc nào cũng hiện ra trước mắt nó”. Hay, như tác giả Margaret Halsey có lần nói: “Bất kỳ khi nào tôi dành nhiều thời gian nghĩ về những thiếu sót của mình, chúng đều bắt đầu trở thành những việc nhỏ lặt vặt, nhẹ nhàng, vô hại, chẳng hề giống một chút nào với những nhược điểm to đùng trong tính cách của những người khác”.

Cho nên, tôi còn rất thích một câu chuyện khác về cặp vợ chồng già đi du lịchbằng ô tô. Hai ông bà dừng lại ăn trưa ở một tiệm bên đường. Bà cụ để quên kính trên bàn ăn, nhưng khi xe đi đến đường cao tốc thì bà mới nhớ ra. Tất nhiên, lúc này thì rất khó quay xe ngược lại. Ông chồng bực mình và than phiền suốt chặng đường quay lại tiệm ăn, về việc bà “lúc nào cũng bỏ quên kính ở khắp nơi”. Cuối cùng, khi họ đến tiệm ăn lúc nãy, và bà cụ ra khỏi xe để đi lấy kính, thì ông cụ gọi với theo: “Này, bà vào trong đấy thì lấy luôn hộ tôi cái mũ lúc nãy tôi để quên!”.

Nhà tâm lý học Carl Jung đã có nhận định rất đúng về hiện tượng nhìn lỗi lầm của người khác rõ ràng hơn lỗi lầm của mình, như thế này: “Tất cả những điều khiến chúng ta bực mình về người khác có thể giúp chúng ta thấu hiểu hơn về chính bản thân mình”. Hay, nói cách khác, những “cái bướu” mà chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng ở người khác có thể rất giống với những “cái bướu” mà những người khác thấy ở chúng ta. Hoặc, có thể chúng chính là những “cái bướu” mà chúng ta thấy ở chính mình, nhưng đã dễ dàng bỏ qua.

Vậy, sẽ thế nào nếu chúng ta nhìn vào những khiếm khuyết của người khác và coi chúng cũng là một món quà? Bởi vì dù sao, chúng cũng dạy chúng ta điều gì đó về chính bản thân mình mà!

Và đó chính là điều khiến chúng ta khác với những con lạc đà.

dinhluc-nguồn sưu tầm