Thật đáng buồn khi năm mới vừa đến chúng ta lại tiếp tục nhận thêm hung tin từ dịch viêm phổi lạ. Coronavirus hiện đã lây lan ra nhiều tỉnh của Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới như Úc, Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam… gây ra hơn 7.711 ca nhiễm bệnh và 170 ca tử vong.
Coronavirus thật sự là một đại dịch toàn cầu đáng sợ mà tất cả chúng ta cần cảnh giác cao độ, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu.
Vẫn biết rằng trước bất kỳ một loại dịch bệnh nào các nhà khoa học sẽ nghiên cứu ra một loại vắc xin phòng chống, vắc xin chống coronavirus cũng đang nhanh chóng được nghiên cứu, nhưng trước khi trông chờ vào vắc xin, MarryBaby khuyên các mẹ nên hành động trước để bảo vệ con em mình.
Ngoài các biện pháp như đeo khẩu trang cho bé khi ra khỏi nhà, rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn, không đi đến những nơi đông người, hạn chế đi du lịch, tránh xa vùng dịch và người bị bệnh… thì các mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho bé bằng các loại thực phẩm có khả năng phòng chống cảm cúm.
Theo bác sĩ Jennifer Tanner thuộc Tập đoàn sức khỏe Kinetica ở Toronto – Canada, khi bạn ăn uống kém, những tế bào miễn dịch không đủ dinh dưỡng để chiến đấu với virus nên thiếu dinh dưỡng, là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến suy giảm miễn dịch. Vì thế bạn cần một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng bằng việc tăng cường thực phẩm phòng ngừa cảm cúm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại nhiễm trùng.
Sau đây là 15 thực phẩm phòng ngừa cảm cúm mẹ nên bổ sung cho bé mỗi tuần:
1. Cà rốt
Cà rốt rất giàu beta carotene và vitamin A giúp cơ thể chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương tế bào, đồng thời sửa chữa hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Mẹ có thể cho bé ăn cà rốt mỗi tuần bằng nhiều cách như làm nước ép cà rốt, nấu cháo cà rốt, món xương hầm củ quả cùng cà rốt.
2. Kefir (men làm sữa chua)
Kefir là một chế phẩm sinh học chứa đầy men vi sinh, có thể làm giảm các triệu chứng và thời gian phục hồi do cảm lạnh thông thường. Theo chuyên gia dinh dưỡng, kefir không chỉ giúp tăng cường sức khỏe miễn dịch mà còn giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Điều này rất quan trọng vì nếu thức ăn không được tiêu hóa hợp lý thì cơ thể không thể phá vỡ các chất dinh dưỡng để giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Mẹ có thể bổ sung kefir bằng cách cho bé ăn sữa chua mỗi ngày.
3. Trứng
Trứng rất giàu protein và axit amin, là khối xây dựng cho tất cả các tế bào. Protein còn giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch thông qua việc tăng cường tế bào T.
Các axit amin có trong protein giúp kích thích hệ thống miễn dịch, có thể giúp chống lại cảm lạnh và cúm.
Trứng rất bổ dưỡng và hầu hết trẻ con đều thích. Mẹ có thể cho bé ăn trứng bằng nhiều cách như làm món trứng chiên, canh trứng cà chua, bánh flan, nấu cháo trứng.
4. Mầm lúa mì
Mầm lúa mì rất giàu dinh dưỡng bao gồm vitamin E, selen, magiê và kẽm. Đây là các dưỡng chất thiết yếu để giúp xây dựng hệ thống miễn dịch của bé khỏe mạnh.
Mẹ có thể cho bé ăn mầm lúa mì bằng cách khuấy thành sinh tố hoặc thêm vào cháo của bé.
5. Quả kiwi
Kiwi có nhiều carotenoid, polyphenol và vitamin C. Vitamin C góp phần duy trì tính toàn vẹn của tế bào và bảo vệ chúng khi cơ thể bị viêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bổ sung thêm một chút vitamin C có thể làm giảm nhẹ thời gian mắc bệnh ở người khỏe mạnh.
Mẹ nên cho bé ăn kiwi mỗi tuần, nhưng nếu bé không thích hương vị của kiwi thì mẹ có thể đổi sang ớt chuông, dâu tây hoặc trái cây họ cam để tăng cường vitamin C.
6. Súp gà/cháo gà
Súp gà rất tốt cho hệ thống miễn dịch của trẻ em. Nghiên cứu trên Tạp chí Therapeutics của Mỹ cho thấy, súp gà giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại các giai đoạn đầu của bệnh cúm do súp gà hoạt động như một chất chống viêm và tăng tốc độ di chuyển của chất nhầy qua mũi, làm giảm nghẹt mũi.
Nước dùng rất tốt cho quá trình hydrat hóa, còn protein trong thịt gà lại là một khối xây dựng cho các tế bào của cơ thể.
Súp gà hoặc cháo gà đều là các món ăn bổ dưỡng phổ biến của trẻ em, mẹ nên tăng cường cho bé ăn nhiều hơn vào mùa lạnh, nhất là thời điểm đang bùng phát dịch coronavirus trên toàn cầu.
7. Hạnh nhân
Hạnh nhân rất giàu vitamin E, một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo giúp bảo vệ các tế bào chống lại thiệt hại.
Nghiên cứu của Ý năm 2010 cho thấy, một chất hóa học tự nhiên được tìm thấy trong vỏ hạnh nhân có thể tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng.
Hạnh nhân và các loại hạt rất giàu dinh dưỡng, mẹ có thể bổ sung cho bé bằng cách cho ăn hạt sấy khô hoặc thêm hạnh nhân vào bánh, cháo cho bé.
Lưu ý: Mẹ nên thận trọng nếu gia đình có tiền sử dị ứng với các loại hạt, nhất là với bé dưới 6 tháng tuổi.
8. Hạt bí ngô
Hạt bí ngô rất giàu kẽm, có thể giúp cơ thể tránh cảm lạnh và cúm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự thiếu hụt kẽm có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Kẽm cũng quan trọng đối với chức năng tế bào T – một vai trò quan trọng khác của hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, theo Đông y, hạt bí ngô còn là bài thuốc tẩy giun hiệu quả và an toàn cho trẻ nhỏ.
Mẹ có thể cho bé ăn hạt bí sấy khô hoặc khuấy cùng với cháo để cho bé ăn.
9. Cải xoăn
Cải xoăn rất giàu chất chống oxy hóa, folate, vitamin A, C, K và sắt nên cũng là thực phẩm phòng ngừa cảm cúm tốt mà mẹ nên bổ sung cho bé. Nghiên cứu năm 2011 đã chỉ ra rằng, cải xoăn kích thích hệ thống miễn dịch.
Cải xoăn rất thích hợp để làm món salad hoặc rau sống nhưng trẻ con hầu như không thích hai món ăn này, vì thế mẹ có thể thái nhỏ để khuấy vào cháo cho bé hoặc xào cải xoăn với thịt bằm cho bé ăn với cơm.
10. Tỏi
Tác dụng của tỏi trong việc chống viêm nhiễm đã được công nhận và sử dụng trên khắp thế giới.
Nghiên cứu năm 2004 trên Tạp chí Khoa học y sinh của Anh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy allicin, một hợp chất chứa sulfur trong tỏi, có khả năng chống nhiễm trùng vi khuẩn từ tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA).
Đối với cảm lạnh thông thường, nghiên cứu công bố trên Advances in Treatment cho thấy, bổ sung tỏi hàng ngày giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường và những người thường xuyên dùng tỏi ít bị cảm lạnh hơn những người không dùng tỏi.
Hầu hết các bé đều không thích các loại gia vị có hương vị mạnh như tỏi, nhưng nếu mẹ nêm khéo léo vào trong đồ ăn chắc chắn sẽ không làm ảnh hưởng đến khẩu vị của bé.
Mẹ có thể băm nhỏ một tép tỏi để khuấy vào cháo hoặc đồ ăn của bé. Với các bé lớn, mẹ nên khuyến khích con ăn tỏi và chia sẻ tác dụng của tỏi với sức khỏe cho bé hiểu.
11. Gừng
Gừng được chứng minh có tác dụng làm sạch ruột, bảo vệ dạ dày và là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, đồng thời cũng là một chống viêm, nhất là với chứng viêm họng.
Mẹ có thể thêm một chút gừng băm nhỏ vào các món cháo hoặc món xào của bé hoặc thêm một lát gừng tươi vào nước ấm pha mật ong cho bé uống vào mỗi sáng để giúp làm ấm cơ thể và dịu cổ họng của bé.
12. Nấm shiitake
Nghiên cứu của Đại học Florida cho thấy, ăn nấm shiitake mỗi ngày có thể cải thiện chức năng miễn dịch. Nghiên cứu được thực hiện ở một nhóm người trưởng thành khỏe mạnh ăn nấm shiitake khô trong bốn tuần, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các tế bào T gamma delta hoạt động tốt hơn và giảm các protein gây viêm.
13. Cá hồi
Một khẩu phần 84,9g cá hồi sẽ cung cấp gần 40% nhu cầu protein hàng ngày và hơn một nửa nhu cầu vitamin D hàng ngày của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy, thiếu vitamin D có liên quan đến việc tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, trong khi cá hồi có chứa các axit béo thiết yếu, rất cần thiết cho sức khỏe miễn dịch.
Mẹ nên bổ sung cá hồi hàng tuần cho bé bằng các món dễ ăn như sốt cá hồi cà chua, cháo cá hồi, cá hồi nấu canh chua.
14. Cải bó xôi
Cải bó xôi có nhiều folate, một loại vitamin B hòa tan trong nước thiết yếu, rất quan trọng cho sự phát triển của tế bào. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi cơ thể bị thiếu hụt folate có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Trong thời điểm các loại cảm cúm và dịch bệnh coronavirus bùng phát, mẹ nên thay thế các loại rau xanh khác bằng cải bó xôi để tăng cường miễn dịch cho bé nhé.
15. Đinh hương
Đinh hương rất hữu ích trong việc chống lại ký sinh trùng, có thể làm chậm phản ứng của hệ thống miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa. Thành phần chính làm cho đinh hương rất mạnh để tăng khả năng miễn dịch là eugenol, một chất đã được chứng minh có hiệu quả chống lại vi khuẩn và virus.
Trên thực tế, tính chất chống oxy hóa của đinh hương cao hơn hầu hết các loại gia vị, trái cây và rau quả khác.
Mẹ có thể dùng dầu đinh hương để nấu ăn hoặc thêm bột đinh hương vào các các món ăn cho bé.
Ăn uống góp phần tích cực trong việc tăng cường miễn dịch để phòng chống bệnh tật. Trước nguy cơ đại dịch coronavirus bùng phát, mẹ nên tăng cường các thực phẩm phòng ngừa cảm cúm nhiều hơn cho bé nhé.
Nguồn:Marry BaBy