(Lâm Hoàng Thanh – Cà Mau)
Chúng ta biết có rất nhiều nguyên nhân gây viêm bàng quang xuất huyết và việc chẩn đoán bệnh không quá khó nếu có triệu chứng đái ra máu, tuy nhiên việc xác định ra nguyên nhân có thể không dễ dàng nhất là ở trẻ nhỏ. Với triệu chứng đái ra máu cùng với thay đổi tổng trạng và triệu chứng kích thích bàng quang (đái nhiều lần, đái gắt, đái buốt…) thì có thể xác định viêm bàng quang xuất huyết.
Cần phải làm xét nghiệm nước tiểu để xác định chính xác mức độ đái máu và có thể cần để tìm virút, vi khuẩn (qua đó có thể làm kháng sinh đồ nhằm chọn lựa kháng sinh điều trị phù hợp). Xét nghiệm máu để xác định hiện tượng viêm nhiễm và qua đó loại trừ đái ra máu do rối loạn đông máu. Dùng siêu âm khảo sát hình ảnh của hệ tiết niệu và tổn thương ở bàng quang. Soi bàng quang là một xét nghiệm luôn được khuyến cáo vì giúp xác định rõ ràng thương tổn bàng quang (khu trú hay lan tỏa), tình trạng cục máu đông, mức độ xuất huyết …
Việc điều trị viêm bàng quang xuất huyết bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng. Để điều trị được nguyên nhân phải xác định chính xác nguyên nhân gây viêm bàng quang như đã nêu ở trên. Điều trị triệu chứng bao gồm hạ sốt, giảm đau, kháng viêm và quan trọng là chảy máu bàng quang. Trong trường hợp chảy máu nặng không cầm được bằng nội khoa phải phẫu thuật (thắt động mạch hạ vị chọn lọc, đưa bàng quang ra ngoài và đóng tạm thời…). Ở trẻ nhỏ việc phẫu thuật can thiệp hiếm khi được thực hiện do có nhiều biến chứng nguy hiểm. Thường là đặt sond bơm rửa bàng quang bằng nước muối sinh lý hoặc natri bạc 1% để cầm máu, ở trẻ nhỏ cần bù đủ nước để đào thải nhanh cục máu đông. Tất nhiên phải dùng kháng sinh trong trường hợp tác nhân là vi khuẩn, tốt nhất là chọn lựa kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Nguồn:Suckhoedoisong.vn