Bài 1: gồm các vị: lá khôi, cucumin, tam thất, đinh hương. Công dụng: làm giảm đau nhanh, giảm triệu chứng ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, trung hòa dịch vị axit dạ dày. Bài thuốc đã được Hội Đông y và các viện đông y sử dụng trong điều trị bệnh đau dạ dày rất có hiệu quả.
Lá khôi: còn có tên cây độc lực, đơn tướng quân, khôi tía. Thành phần hóa học chính là tanin có công dụng làm giảm độ acid của dạ dày. Lá khôi dùng phối hợp với bồ công anh, khổ sâm, cam thảo để sử dụng trong trường hợp thể trạng sút kém, bụng đầy trướng, kém ăn, mệt mỏi, đau vùng thượng vị, đau từng cơn, lan ra hai bên sườn xuyên ra sau lưng, người bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng.
Viêm loét dạ dày tá tràng được xếp vào chứng vị quản thống của y học cổ truyền.
Cucumin: là tinh chất được chiết xuất từ củ nghệ vàng. Có nhiều tác dụng đối với dạ dày, tá tràng, có hoạt tính chống loét dạ dày, tá tràng do làm giảm tiết dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày, tá tràng, chống lại các thương tổn gây ra do sress, do hóa chất…; kích thích sản sinh chất nhầy niêm mạc dạ dày, kích thích sự lành vết loét. Ngoài ra, cucumin còn có tác dụng giảm đau thượng vị, giảm đầy hơi.
Tam thất: thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, không độc. Tác dụng tán ứ chỉ huyết (làm tan huyết ứ và cầm máu), tiêu thũng định thống (làm hết phù nề do ứ trệ và giảm đau). Tam thất thường được dùng để chữa các chứng bệnh như xuất huyết, sưng nề tụ máu do trật đả; hung tý giảo thống (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim); bế kinh do huyết ứ, thống kinh (hành kinh đau bụng), sản hậu phúc thống do ứ trở (đau bụng sau khi sinh con), sưng nề do viêm nhiễm…
Đinh hương: người đang ăn kiêng để giảm cân nên bổ sung cây đinh hương vào chế độ ăn hàng ngày. Vì cây đinh hương đã được chứng minh có khả năng tăng cường chuyển hóa và giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hủy chất béo. Thông thường, khi bị bệnh về tiêu hóa, cần tránh ăn các loại cây gia vị, tuy nhiên vẫn có thể ăn lá đinh hương, giúp quá trình tiêu hóa được thuận lợi và giảm nguy cơ bị đầy hơi.
Bài 2 – Cốm nghệ: nghệ 100g (hiện nay lấy cucumin), hoài sơn 300g, mai mực (làm sạch sao vàng) 700g, đường kính 1kg. Tán bột mịn 3 vị trên trộn với nước đường nấu chảy sôi rồi tán lại thành bột mịn. Ngày dùng 30-50g, chia làm nhiều lần uống. Người có đường huyết cao không dùng đường. Bài này rất tốt cho người dạ dày tá tràng thể đa toan.
Bài 3 – Bột bối thảo: thổ bối mẫu 600g, cam thảo 600g, mai mực 2.800g. Các vị tán bột mịn, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10g, uống với nước sôi nguội trước ăn 30 phút. Trị đau dạ dầy ợ hơi, ợ chua nhiều.
Bài 4 – Bột lá khôi: lá khôi khô 500g, lá bồ công anh khô 250g, lá chút chít khô 100g, nhân trần khô 100g, lá khổ sâm khô 50g. Tất cả tán thành bột mịn. Ngày uống 20-30g, hãm nước sôi, lọc lấy nước, chia 2 lần. Trị đau dạ dày thể nhiệt, ợ chua, táo bón.
Bài 5 – Viên hương phụ ô dược: trần bì 100g, chỉ xác (bỏ ruột) 100g, hậu phác 100g, ô dược 150g, hương phụ chế (giã sạch lông) 200g. Tất cả tán mịn làm viên hoàn nhỏ bằng hạt đậu đen. Trẻ em trên 10 tuổi, ngày dùng 10-15 viên, người lớn 20-30 viên, uống với nước đun sôi nóng. Trị đau thượng vị cuộn lên vùng dạ dày, hay ợ hơi do can khí uất.
Bài 6 – Bột ô cam: ô tặc cốt 2.000g, cam thảo 2.000g, lá cà độc dược khô 120g, kê nội kim 200g, hương phụ chế 200g, hàn the (phi khô) 100g, phèn chua (phi khô) 100g, trần bì 80g. Tất cả sấy khô tán bột mịn. Người lớn uống 4g, mỗi ngày chia 3 lần, uống với nước nóng. Trị viêm loét dạ dày tá tràng.
Bài 7 – Bột lá khôi: lá khôi 20%, củ gấu (chế rồi) 10%, khổ sâm 10%, mai mực 15%, diếp rừng (bồ công anh) 5%, vỏ quýt 10%, ô dược 10%, cam thảo 5%. Tất cả sấy khô tán thành bột mịn. Người lớn dùng từ 20-40g, chia 2-3 lần trong ngày. Trị đau dạ dày thể khí trệ, hỏa uất, huyết ứ.
Bài 8 – Ô kê sơn hoàn: mai mực 450g, kê nội kim 100g, hoài sơn 400g. Tất cả sấy khô tán thành bột mịn. Ngày uống 2-5g, chia 3 lần. Trị đau dạ dày thể tỳ vị hư hàn.
TS.BSCKII. Trần Lập Công
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-dan-gian-tri-viem-loet-da-day-ta-trang-n179568.html