Việc chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng đòi hỏi có sự hiểu biết, kỹ thuật và tính cẩn thận, chu đáo.
Trẻ sinh non là những trẻ ra đời khi tuổi thai chưa đầy 37 tuần lễ, tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng bất kể trọng lượng trẻ sinh ra là bao nhiêu (thường cân nặng dưới 2.500g). Do sinh non nên các cơ quan chưa được hoàn thiện, vì vậy, ở trẻ non có nhiều nguy cơ về bệnh tật và biến chứng. Tuổi thai càng nhỏ, nguy cơ càng nhiều.
Vì vậy, sau khi về nhà, trẻ đẻ non vẫn cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, đòi hỏi sự tích cực và kiên nhẫn của gia đình. Nếu được hưởng một chế độ chăm sóc tốt, sau này, trẻ sẽ thích nghi và phát triển gần như một trẻ sinh đủ tháng bình thường.
Cán bộ y tế tư vấn cách chăm sóc trẻ.
Sữa mẹ vô cùng quan trọng đối với trẻ, đặc biệt là trẻ non tháng vì sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thu. Khi bú sữa mẹ, trẻ sẽ ít gặp các vấn đề như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng sữa… Ngoài ra, sữa mẹ còn cung cấp cho trẻ các yếu tố về miễn dịch để chống chọi với bệnh nhiễm khuẩn… Do vậy, trẻ được bú sữa mẹ ngay từ đầu.
Tuy nhiên, các bà mẹ cần theo dõi bé chặt chẽ, ở bé sinh non thì khả năng ngậm bắt núm vú kém, phản xạ bú yếu và chậm… Người mẹ phải theo dõi lượng sữa bú hoặc uống được mỗi cữ tùy theo tuổi thai và cân nặng. Trung bình, trẻ sinh non bú 8 – 12 lần mỗi ngày, thường ít nhất 150ml sữa/kg cân nặng/ngày. Trẻ bú mẹ bú đủ no khi bụng căng tròn sau mỗi cữ bú, tiểu ít nhất 6-10 lần mỗi ngày, nước tiểu trong, trẻ lên cân đều…
Trẻ non tháng dễ bị trớ hoặc trào ngược. Nôn trớ khi có một ít sữa trào ra ở khóe miệng sau mỗi cữ bú, đó là hiện tượng bình thường. Trào ngược dạ dày thực quản khi trẻ nôn ọc nhiều lần trong ngày. Hiện tượng trào ngược là bệnh lý khi làm trẻ chậm lên cân hoặc không tăng cân và dễ bị viêm phổi tái diễn hay quấy khóc vặn mình thường xuyên về đêm.
Vì vậy, để hạn chế trẻ trớ sau khi bú, cần bế đầu trẻ cao. Nếu có hiện tượng trào ngược là bệnh lý, trẻ cần phải được bác sĩ nhi khoa theo dõi và điều trị tích cực. Nhưng nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể tránh được vấn đề này.
Đối với trường hợp mẹ không có sữa hoặc ít sữa mà phải cho trẻ dùng sữa ngoài, cần xem trẻ có bị dị ứng sữa không, có rối loạn tiêu chảy không… Vì vậy, việc dùng sữa cũng phải theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa để phù hợp lứa tuổi.
Đối với việc giữ vệ sinh môi trường và khi chăm sóc trẻ: khi chăm sóc trẻ, cần rửa tay sạch. Những người bị bệnh đường hô hấp hoặc bệnh cúm, không tiếp xúc và chăm sóc trẻ, không hút thuốc lá gần trẻ. Quần, áo thay mỗi ngày, khi quần áo hay khăn tã ướt, phải thay ngay. Tắm trẻ mỗi ngày với nước đun sôi để đủ ấm khoảng 37 độ, tránh gió lùa nơi tắm trẻ…
Vấn đề tiêm chủng phòng bệnh: đối với mũi tiêm ngừa đầu tiên là lao và viêm gan siêu vi B, ở trẻ non tháng, cân nặng trên 2.000g sẽ được tiêm phòng ngay khi xuất viện hoặc lúc bắt đầu 2 tháng tuổi; với trẻ cân nặng ít hơn 2.000g sẽ được tiêm phòng lúc 2 tháng tuổi. Ngoài ra, còn những vấn đề khác cần theo dõi và khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa hoặc sơ sinh…
Những dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay: vàng da nhiều tăng nhanh, ngủ nhiều khó thức dậy, kích thích nhiều hơn, bú kém, khó thở, xanh tái quanh môi, mắt hoặc miệng, sốt hoặc hạ thân nhiệt, không tiểu trên 12 giờ, không đại tiện trên 4 ngày hoặc tiêu phân đen hay có máu…
Lưu ý: Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ sơ sinh mà không hỏi ý kiến bác sĩ dù là thuốc nhỏ mắt, thuốc bổ… Người mẹ đang cho con bú sữa mẹ cũng thận trọng khi dùng thuốc vì thuốc có thể qua sữa mẹ.
Nguồn:Suckhoedoisong.vn
Link:https://suckhoedoisong.vn/cach-cham-soc-tre-sinh-non-tai-nha-n169560.html