Liều thuốc cho bệnh “ăn vạ”

857

Hầu hết các bạn nhỏ đều mắc phải thói xấu ăn vạ: Khóc lóc, la hét hay không ngừng làu bàu để đòi cho bằng được thứ mình muốn. Mẹ phải làm gì để giải quyết những tình huống này?

Thông thường, các ông bố, bà mẹ sẽ yêu cầu bé ngừng kêu ca, rên rỉ và đưa ra yêu cầu một cách lịch sự. Tuy nhiên, ăn vạ lại là biểu hiện của những vấn đề sâu xa hơn. Bạn không thể chỉ giải quyết ở phần bề mặt mà phải tìm ra đâu là nguyên nhân.

1/ Bé không được đáp ứng đúng nhu cầu
Bạn cần hiểu được nhu cầu cơ bản của bé như ăn, nghỉ ngơi, đi vệ sinh, được chở che, quan tâm nếu không muốn nghe bé khóc lóc, mè nheo. Nếu cứ khăng khăng chở con đi mua sắm khi bé đang đói hay mệt, chắc chắn bé sẽ không hào hứng mà còn cáu kỉnh. Tại sao chúng ta phải tạo ra những tình huống khiến bé lặp đi lặp lại thói quen ăn vạ như thế? Chỉ cần để ý và hiểu con nhiều hơn.

2/ Bé cảm thấy mình ít được quan tâm
Bất kỳ cô, cậu nhóc nào cũng muốn được ba mẹ để ý và nâng niu chăm sóc. Để bé không mè nheo, tốt hơn hết là loại bỏ đi nguyên nhân dẫn đến thói quen này. Đừng đợi bé hỏi: “Mẹ có yêu con không” mà nên thể hiện sự quan tâm một cách chủ động để bé luôn cảm thấy mình được hỗ trợ và thấu hiểu. Tuy nhiên, bạn không nên thể hiện sự chú ý khi bé đang nhõng nhẽo và nuông chiều bé không đúng lúc.

Để “trị” tật xấu ăn vạ, bạn cần biết được nguyên nhân

3/ Bé cảm thấy bất lực
Khi bé cảm thấy mình không có chút ảnh hưởng nào đến ba mẹ, bé chắc chắn sẽ dùng đến biện pháp mít ướt. Đầu tiên, bạn nên cho bé thấy mình đang lắng nghe nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu của bé. Tiếp đến, bạn khuyến khích bé sử dụng giọng nói bình thường của mình một cách tự tin thay vì giọng khóc lóc đầy thất thế. Xa hơn, bạn cần chỉ cho con thấy rằng mình hoàn toàn có thể đạt được điều mình muốn khi cảm xúc được cảm xúc, bình tĩnh và biết cách thuyết phục.

4/ Bé muốn khóc
Có thể trong bé đang dồn nén quá nhiều áp lực. Trẻ nhỏ có thể cảm thấy căng thẳng vì những chuyện như tập ngồi bô, mẹ mới sinh em bé, nhà có người giúp việc mới… Lúc này, bạn cần chia sẻ và quan tâm đến cảm xúc của bé.

5/ Bé được nuông chiều
Nếu đã áp dụng thành công khả năng mít ướt một vài lần, bé sẽ tiếp tục. Tất nhiên, bạn luôn yêu con và ước gì mình có thể cho con mọi thứ trên thế giới. Nhưng điều này là không thể. Đôi khi, tìm một thứ gì đó mà bé cũng rất thích để thay thế cho điều mà bé đang mè nheo sẽ vẫn thể hiện sự yêu thương của bạn. Bằng cách này, bạn có thể dạy cho bé về cách ứng xử với tình huống 50-50. Nếu bạn luôn đáp ứng đúng yêu cầu của con, bé sẽ mặc nhiên nghĩ rằng mình chỉ có được thứ cần có bằng cách ăn vạ.

Bạn không cần phải quá căng thẳng về những tình huống khóc mếu thường xuyên diễn ra. Đừng quá tập trung vào việc giải quyết vấn đề, mà quan trọng hơn cả là lắng nghe cảm xúc của mình. Trên hết, bạn luôn yêu bé. Khi bạn ôm con vào lòng và thủ thỉ với bé, mọi hờn lẫy sẽ kết thúc mau chóng mà thôi.

Nguồn:MarryBaby