Mụn trứng cá dễ nhầm với các loại bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh nào?

746

em bé sơ sinh đang ngủ

Mụn trứng cá rất phổ biến ở tuổi dậy thì và người trưởng thành. Vì vậy các mẹ Việt thường cho rằng không có mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh mà nghĩ đó là bệnh ngoài da khác như bệnh chàm, phát ban hoặc dị ứng.

Kết quả là, mẹ thường tự điều trị cho con không đúng cách, dẫn đến không khỏi mụn và tình trạng viêm da còn nặng thêm.

Sau đây là các loại bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh rất dễ nhầm với mụn trứng cá, mẹ nên lưu ý để không điều trị nhầm bệnh cho con nhé.

I. Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh trông như thế nào?

Mụn trứng cá sơ sinh có thể xảy ra ở khoảng 20% trẻ sơ sinhMụn thường mọc trên khuôn mặt hoặc cơ thể của bé và tự khỏi mà không cần điều trị.

Loại mụn này có thể là những vết sưng hoặc mụn nhỏ màu đỏ hay màu trắng.

Đôi khi, mụn cũng xuất hiện dưới dạng u nang hoặc nốt sần và để lại sẹo nhưng không cần điều trị.

Mụn trứng cá ở bé sơ sinh chỉ xảy ra ở vài tháng đầu đời. Song cũng có trường hợp, tình trạng mụn kéo dài đến khi bé 2 tuổi.

mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh

II. Các loại bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh dễ bị nhầm là mụn trứng cá

1. Bệnh chàm

Bệnh chàm thường xuất hiện dưới dạng những vết sưng đỏ trên mặt của trẻ sơ sinh. Các vết đỏ này còn xuất hiện ở đầu gối và khuỷu tay khi bé lớn hơn.

Khi bị nhiễm trùng, da của bé sẽ bị khô và xuất hiện các mảng màu vàng. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi bé biết bò vì đầu gối và khuỷu tay bị chà sát xuống mặt sàn.

Các mẹ rất dễ bị nhầm mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh là bệnh chàm vì không nghĩ rằng trẻ sơ sinh có thể mọc mụn trứng cá.

2. Phát ban

Phát ban là tình trạng da bị các nốt sưng nhỏ hoặc vết đỏ thường xuất hiện trên khuôn mặt, ngực hoặc tay, chân của bé. Phát ban có thể kéo dài trong vài ngày đầu và tự khỏi trong khoảng một tuần sau khi bé chào đời.

3. Mụn thịt

Mụn thịt là những nốt mụn nhỏ, màu trắng thường mọc trên mặt của trẻ sơ sinh.

Nguyên nhân gây ra mụn thịt là do các tế bào da chết bị mắc lại trên da của bé. Mụn thịt thường xuất hiện trong vài tuần sau khi sinh và tự khỏi mà không cần điều trị.

mụn thịt ở trẻ sơ sinh
Mụn thịt ở trẻ sơ sinh

III. Các cách chữa mụn trứng cá cho trẻ sơ sinh

1. Luôn giữ cho da mặt của bé sạch sẽ

Việc làm sạch da mặt của bé là cách tốt nhất để chữa mụn trứng cá.

Mẹ chỉ cần rửa mặt cho bé bằng nước ấm và không nên dùng thêm bất cứ thành phần nào khác.

Tuy nhiên, nếu muốn rửa mặt cho bé bằng sữa rửa mặt, mẹ có thể dùng loại dành cho trẻ sơ sinh. Tốt nhất là sản phẩm không tạo bọt, không màu, mùi để tránh gây dị ứng da của bé.

2. Không dùng các sản phẩm có thành phần retinoids

Đây là một dẫn xuất của vitamin A thường có trong rất nhiều loại mỹ phẩm. Tuy nhiên, thành phần này có khả năng gây dị ứng cao và ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Do đó, mẹ nên tránh các sản phẩm có chứa retinoids khi dùng cho bé nhé.

3. Không dùng kem dưỡng da cho bé

Da của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nhất là khi bị mụn trứng cá. Các loại mỹ phẩm có thể gây dị ứng và khiến tình trạng mụn nặng thêm. Vì thế, mẹ không nên dùng mỹ phẩm cho bé vào lúc này.

Nếu muốn dùng bất kỳ loại thuốc trị mụn ngoài da nào, mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ nhé.

không dùng kem dưỡng da cho bé
không dùng kem dưỡng da cho bé

4. Không chà xát mạnh khi rửa mặt cho bé

Làn da của bé rất mỏng. Khi rửa mặt cho bé, nếu mẹ chà xát mạnh sẽ làm tổn thương da. Bên cạnh đó, các đầu mụn có thể bị vỡ ra, dễ bị nhiễm trùng và làm đau bé.

Do đó, mẹ chỉ nên dùng khăn sữa nhúng vào nước ấm, vắt sơ, sau đó nhẹ nhàng lau mặt cho bé theo chuyển động tròn.

5. Tuyệt đối không nặn mụn cho bé

Nguyên tắc chăm sóc da mụn ở cả người lớn và trẻ nhỏ là không bao giờ được nặn mụn. Cho dù nặn mụn bằng tay hoặc bằng dụng cụ cũng không nên, mẹ nhé.

Cách này sẽ làm da của bé bị sưng tấy, nhiễm khuẩn và làm cho tình trạng viêm da càng nặng hơn.

6. Mẹ không nên lo lắng

Trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá là tình trạng bình thường, mẹ không nên lo lắng. Đặc biệt mẹ không nên nghe theo người này, người kia dùng các loại cỏ, cây hoặc bất kỳ loại thuốc nào không được bác sĩ chỉ định để trị mụn cho bé.

lo lắng cho con
Không nên quá lo lắng về mụn trứng cá của bé

IV. Khi nào mẹ nên đưa bé đến bệnh viện?

Mẹ nên đưa bé đến bệnh viện khám da khi:

+ Bé bị mụn trứng cá kéo dài quá vài tuần nhưng không khỏi.

+ Mụn trứng cá chuyển thành mụn đầu đen, mụn mủ.

+ Tình trạng mụn bị viêm nặng khiến bé quấy khóc.

+ Bé bị rối loạn tuyến thượng thận bẩm sinh.

+ Bé mắc phải các bệnh khác về nội tiết.

+ Bé bị tăng huyết áp.

+ Da của bé tiết dầu bất thường.

+ Da của bé mọc lông bất thường.

Nhiều mẹ Việt không ngờ rằng bé mới đẻ cũng bị mụn trứng cá. Đây không phải là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh nghiêm trọng tuy nhiên nếu chẩn đoán sai sẽ khó chữa khỏi bệnh, thậm chí còn làm cho mụn nặng hơn. Metaodo mong rằng bài viết này sẽ giúp mẹ phân biệt được mụn trứng cá và các bệnh ngoài da khác để giúp con điều trị đúng cách.

Nguồn:Marry BaBy