Với những bố mẹ lần đầu lên chức, mọi biểu hiện của con đều được quan tâm hết mực. Vì thế khi thấy trẻ sơ sinh không mở mắt trong nhiều tiếng đồng hồ cũng làm bố mẹ sốt ruột lo lắng. Cùng lý giải nguyên nhân vì sao con cứ nhắm mắt suốt sau khi chào đời nhé!
Vì sao trẻ sơ sinh không mở mắt suốt nhiều tiếng?
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng thì việc trẻ sơ sinh không mở mắt trong nhiều giờ đồng hồ là vì bé dành phần lớn thời gian cho việc ngủ. Con có thể dành đến 20 giờ mỗi ngày chỉ để ngủ và chỉ thức giấc khi trẻ đói bụng, tã lót bị ướt, bé bị đau hoặc thấy không thoải mái… Tuy nhiên ngay cả khi tỉnh dậy thì bé vẫn có thể nhắm mắt vì đồng tử cần có thời gian hoàn thiện và thích nghi với ánh sáng bên ngoài bụng mẹ.
Lúc mới mở mắt, mẹ sẽ thấy đôi mắt của trẻ thường thiếu sự tập trung, không thể nhìn thẳng mà phải nhìn nghiêng sang một bên. Đây là biểu hiện bình thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng bé chưa thể tự điều tiết sự di chuyển của đôi mắt. Để tăng cường sự linh hoạt của đôi mắt, các mẹ hãy thường xuyên bế bé theo hướng thẳng đứng để mắt có thể mở và nhìn được nhiều hơn.
Từ sau tuần thứ 5, trẻ sơ sinh sẽ mở mắt nhiều hơn và thời gian ngủ sẽ ít dần đi, thời gian nhận thức tăng lên vào những ngày sau đó. Sau một tháng tuổi, em bé sẽ bắt đầu quan sát mọi vật xung quanh. Hãy yên tâm vì nếu bé của bạn sinh ra khỏe mạnh và mắt không bị vết thương, không có dịch tiết lạ thì trẻ sơ sinh nhắm mắt nhiều là bình thường.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh kéo dài bao nhiêu tiếng?
Để trả lời chính xác câu hỏi này sẽ phụ thuộc nhiều vào độ tuổi của trẻ. Đối với những trẻ mới sinh từ 1-4 tuần tuổi sẽ cần ngủ từ 17-20 tiếng/ngày. Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi sẽ cần ngủ khoảng 14-16 tiếng/ ngày và khi bé được hơn 12 tháng tuổi sẽ chỉ cần ngủ 12 -13 tiếng mỗi ngày. Dưới đây là thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo độ tuổi, nếu bé ngủ trong thời gian này sẽ đảm bảo điều kiện phát triển tốt hơn.
Độ tuổi | Số giờ ngủ ban ngày | Số giờ ngủ ban đêm | Tổng thời gian ngủ |
1 tuần | 8 giờ | 8giờ 30 phút | 16 giờ 30 phút |
1 tháng | 7 giờ | 8 giờ 30 phút | 15 giờ 30 phút |
3 tháng | 5 giờ | 10 giờ | 15 giờ |
6 tháng | 3 giờ 15 phút | 11 giờ | 14 giờ 15 phút |
9 tháng | 3 giờ | 11 giờ | 14 giờ |
12 tháng | 2 giờ 15 phút | 11 giờ 30 phút | 13 giờ 45 phút |
Có nhiều mẹ cảm thấy lo lắng, không biết trẻ sơ sinh không mở mắt mà ngủ quá nhiều có ảnh hưởng đến sức khỏe hay bé có thể bị đói hay không. Thực tế theo các chuyên gia, giấc ngủ của trẻ sơ sinh cần ít nhất khoảng 13-16 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của mình. Ngủ đủ giấc sẽ giúp các hormone trong não bộ tăng trưởng giúp trẻ phát triển chiều cao.
Một số nghiên cứu khác cũng đã chứng minh rằng, trẻ sơ sinh ngủ đủ giấc mỗi ngày sẽ phát triển não bộ tốt hơn nhiều so với những bé sơ sinh ngủ ít hoặc thường xuyên ngủ không ngon giấc. Hơn thế nữa, những trẻ ngủ đủ giấc sẽ được đảm bảo có hệ miễn dịch tăng cường, ít có nguy cơ phát triển bệnh trong giai đoạn nhũ nhi.
Những lưu ý để đảm bảo cho giấc ngủ con yêu
Trẻ mới sinh có cơ thể khá yếu ớt nên bố mẹ cần chăm sóc các bé kỹ lưỡng, ngay cả khi bé ngủ. Một số điều kiện cơ bản để giấc ngủ của trẻ sơ sinh được đảm bảo là:
- Bố mẹ nên cho bé ngủ nằm ngửa, kể cả khi bé sinh non.
- Với trẻ mới sinh, nên cho bé nằm nôi hay giỏ mây trong phòng ngủ của mẹ cho đến khi bé được 6 tháng tuổi.
- Hạn chế để bé ngủ trên giường, bởi các bé dưới 8 tháng tuổi ngủ trên giường người lớn thay vì nôi của bé có nguy cơ bị ngộp thở hoặc mắc kẹt trong chăn đệm cao hơn.
- Nơi ngủ của bé hạn chế bố trí quá nhiều chăn, đệm, gối lỏng lẻo hay rộng lùng thùng cũng như để các loại đồ chơi nhồi bông trong nôi của bé.
- Khi bé ngủ, mẹ đừng bọc bé quá kín cũng như để nhiệt độ phòng quá nóng sẽ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Nếu trẻ sơ sinh không mở mắt và có nhiều ghèn quanh mắt thì nên đưa bé đến bác sĩ.
Nguồn:Conlatatca.vn