Bệnh bạch hầu ở trẻ là bệnh gì?
Bệnh bạch hầu ở trẻ là một dạng bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria gây ra. Khuẩn này xâm nhập qua đường mũi, miệng, phát triển ở niêm mạc đường hô hấp trên, tiết ra ngoại độc tố, vào máu và phát tán đến các cơ quan rồi gây bệnh. Ngoại độc tố bạch hầu gây hủy hoại mô tại chỗ, hoặc tác động xa lên cơ tim, thần kinh ngoại biên và thận.
Bệnh bạch hầu có thể lây qua đường hô hấp nên khi trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc những người đang mang vi khuẩn bạch hầu.
Ngoài ra, còn một con đường khác có thể gây bệnh nữa là trẻ tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn (ít khi kéo dài hơn 4 tuần, hiếm khi vi khuẩn mạn tính kéo dài trên 6 tháng).
Theo các chuyên gia thì bệnh bạch hầu không tồn tại miễn dịch chống lại vi khuẩn, mà nó chỉ duy nhất miễn dịch chống lại độc tố. Chính vì thế mà hầu như chỉ người mang vi khuẩn và người mắc bệnh bạch hầu mói có miễn dịch. Trường hợp, người mẹ đã có miễn dịch thì đứa con mới sinh ra của họ có được miễn dịch tương đối do mẹ truyền cho hay còn được gọi là miễn dịch thụ động và thường sẽ mất đi trước 6 tháng. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh nếu mẹ đã được tiêm phòng nhưng khả năng miễn dịch không còn.
Dấu hiệu của bệnh bạch hầu ở trẻ
Khi trẻ mắc bệnh thì chắc chắn cơ thể sẽ biểu hiện ra bên ngoài các triệu chứng cho thấy cơ thể đang gặp bất ổn. Đối với bệnh bạch hầu ở trẻ thì sẽ có triệu chứng ban đầu khá giống với cảm lạnh thông thường, đây chính là thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm khuẩn thường kéo dài từ 2 – 5 ngày hoặc lâu hơn.
- Trẻ sẽ cảm thấy đau và sưng họng giống như viêm amidan khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nuốt.
- Những trẻ mới chớm bệnh sẽ có biểu hiện trẻ bị sốt, mệt mỏi, quấy khóc, bỏ ăn…
- Da trẻ xanh, sờ thấy nổi hạch ở dưới hàm, vùng cổ sưng tấy.
- Xuất hiện lớp giả mạc màu trắng ngà, đen hoặc xám thường ở mặt sau hoặc hai bên thành họng và có đặc tính dai, dính, dễ chảy máu khi bóc tách. Triệu chứng này có thể khiến trẻ bị ngạt thở nếu không được điều trị.
- Khi bệnh chuyển biến nặng, tình trạng sốt cao sẽ không còn mà thay vào đó sẽ là các dấu hiệu cổ sưng to, khó thở, khàn tiếng, rối loạn nhịp tim, viêm phổi, các bắp thịt chân tay bị yếu đi và bị liệt.
Cách điều trị bệnh bạch hầu ở trẻ
Đầu tiên, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh thì tốt nhất thì bố mẹ cần cách ly trẻ ngay với những người xung quanh, kiểm tra xem amidan của trẻ có bị sưng và phủ lớp màn xám hay không? Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng và tử vong.
Tại bệnh viện, trẻ sẽ được điều trị tích cực bằng cách sử dụng huyết thanh chống bệnh bạch hầu ngay từ ngày đầu tiên của bệnh. Tiếp theo đó là bắt buộc phải tẩy uế trong thời kỳ phát bệnh và thời kì khỏi bệnh, năng rửa cổ họng cho trẻ.
Trong quá trình trị bệnh, trẻ sẽ được cho uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi. Kèm theo đó, việc điều trị cần phải kết hợp việc cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống đủ dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, giữ ấm cho trẻ.
Tiêm phòng là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh bạch hầu ở trẻ
Cho đến thời điểm hiện tại thì tiêm phòng cho trẻ chính là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi vi khuẩn bệnh bạch hầu nguy hiểm. Đối với tiêm phòng vắc-xin bạch hầu thì thường trẻ sẽ được tiêm kết hợp cùng một số loại bệnh khác. Trong đó phổ biến nhất là:
- Vắc-xin 3 trong 1 (phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván)
- Vắc-xin 5 trong 1 (phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do HIB)
- Vắc-xin 6 trong 1 (phòng ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn HIB).
Vì thế, bố mẹ cần tuân thủ lịch tiêm phòng cho trẻ và ghi nhớ thời gian để đưa trẻ đến bệnh viện, trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng để được tiêm phòng vắc-xin đúng lịch giúp bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh.
Nguồn:Conlatatca.vn