Nguyên nhân gây táo bón ở phụ nữ sau sinh
Trong thai kỳ, máu tập trung để nuôi dưỡng thai, do đó máu nuôi đại tràng kém đi, gây khô táo ruột mà sinh ra bệnh táo bón. Cộng với đó, phụ nữ sau sinh thường mất máu, mất sản dịch nên cơ thể mất nước, máu chưa kịp xuống nuôi đại tràng. Khi sinh xong, khí huyết bị hư tổn nặng nề, cộng với huyết nuôi đại tràng trong suốt thai kỳ kém nên phụ nữ sau sinh rất dễ bị táo bón.
Bên cạnh đó, sau khi sinh, các mẹ thường hạn chế việc đi lại, nằm nghỉ trên giường nhiều nên vận động của ruột yếu đi, phân lưu lại ruột lâu, bị ruột tái hấp thu nước nhiều nên phân khô và cứng lại gây táo bón.
Bí kíp giúp mẹ “đánh bay” táo bón sau khi sinh
Chú ý đến chế độ ăn uống
Các chị em nên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ như rau chân vịt, cần, mướp đắng, rau muống và các loại trái cây như chuối, táo, lê… Đây là những loại thực phẩm rất tốt cho phụ nữ sau sinh. Chúng không chỉ giúp mẹ ngăn ngừa tình trạng táo bón mà còn bổ sung nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra mẹ cũng nên ăn các loại củ như cà rốt, khoai sọ, khoai lang, bí đỏ,.. và cá loại đậu: đậu Hà Lan, đậu nành, ngô, đậu phộng,..
Các mẹ nên lưu ý là tuyệt đối không nên ăn chuối xanh khi bị táo bón. Nó không những không cải thiện được bệnh táo bón mà còn tình trạng tồi tệ hơn. Cũng không nên ăn dầu vì các loại dầu ăn như dầu salad, dầu đậu nành đều không tốt cho hệ tiêu hóa. Chúng có khuynh hướng tạo thành một lớp màng bọc xung quanh thành dạ dày, làm cho việc tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng tại ruột non và dạ dày khó khăn hơn, đồng thời cũng làm cho tiến trình tiêu hóa bị đình trệ. Từ đó, khiến tình trạng táo bón càng trầm trọng hơn.
Đừng quên uống nhiều nước và ăn sữa chua
Do mất nhiều máu trong quá trình sinh con và cần tiếp tục bài thải sản dịch sau khi sinh nên sản phụ cần được bổ sung nhiều nước. Các mẹ nên uống nhiều và đa dạng các loại nước như nước đun sôi để nguội, nước muối nhạt, nước canh rau, sữa đậu nành và nước trái cây tươi.
Bên cạnh việc uống nước thì ăn sữa chua cũng giúp mẹ hạn chế tình trạng táo bón sau sinh. Trong sữa chua có chứa các loại vi khuẩn có ích cho đường ruột sẽ kích thích thành ruột và khả năng tiêu hóa của dạ dày. Từ đó hạn chế tình trạng táo bón cho các mẹ. Các probiotic quan trọng trong sữa chua cũng giúp mẹ chống nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tập thể dục thường xuyên
Sau giai đoạn kiêng cữ sau sinh, nếu mẹ vẫn còn nằm lỳ một chỗ trên giường, ít vận động là mẹ đang gián tiếp làm cho tình trạng táo bón ngày càng nặng nề hơn. Bởi việc này sẽ khiến quá trình trao đổi chất chậm lại, càng dễ gây nguy cơ táo bón. Vì vậy, mẹ nên thường xuyên đi lại và vận động cơ thể bằng các bài thể dục phù hợp. Theo các bác sĩ sản khoa, hai ngày sau khi sinh, sản phụ đã có thể tự ngồi dậy và di chuyển khỏi giường của mình.
Giữ tinh thần thoải mái
Khi bị táo bón, mẹ đừng quá lo lắng mà nên giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Tâm trạng buồn bã, bi quan sẽ cản trở quá trình co bóp của dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Người nhà cũng nên tạo cho các mẹ một không gian thoải mái, tránh các kích thích tinh thần không đáng có.
Ngoài ra, các mẹ cũng nên kết hợp với việc nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, điều này không chỉ giúp ích trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh táo bón mà còn giúp cơ thể mẹ khỏe hơn, không còn tình trạng mất ngủ hay mệt mỏi, tránh tình trạng trầm cảm sau sinh.
Sử dụng thuốc hỗ trợ
Nếu tất cả các biện pháp đã được áp dụng mà không tránh được chứng táo bón thì mẹ nên sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm mềm phân để dễ đại tiện hơn. Trước khi sử dụng thuốc, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn. Và nếu đã uống thuốc nhưng tình trạng của mẹ vẫn không khá hơn thì nên đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời.
Nguồn:Conlatatca.vn