Kể từ khi mang thai, bạn sẽ trở nên đặc biệt chú ý đến hình dáng, kích thước chiếc bụng của mình và các bà bầu khác. Mẹ sẽ thấy có rất nhiều kiểu bụng bầu khác nhau: tròn, nhọn, cao, thấp, to, gọn…
Bầu to – Bầu nhỏ
Quan niệm phổ biến của rất nhiều người là bầu to thì em bé bên trong cũng to, và ngược lại. Thực tế, nếu bạn cao to và có các cơ bắp khỏe mạnh, khi mang bầu, mọi người sẽ không nhận thấy bạn khác biệt lắm. Ngược lại, nếu bạn nhỏ người, bụng sẽ nổi bật hơn và mọi người có cảm giác bụng bạn rất to. Ngoài ra, chuyện to hay nhỏ còn cung cấp một số thông tin khác:
-Vòng hai to
Có rất nhiều yếu tố làm nên kích thước của chiếc bụng. Nếu trước khi có thai, bụng bạn đã to thì không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn mang bầu to. Bạn cũng có thể đang mang song thai, hay sẽ sinh ba không chừng.
Trong một số trường hợp, vòng hai to cũng phản ánh một vấn đề sức khỏe của mẹ bầu. Tình trạng thừa nước ối là một trong những vấn đề thường gặp nhất. Những mẹ bị tiểu đường thai kỳ làm bé lớn lên quá nhanh cũng thường sở hữu vòng hai đồ sộ. Khi gặp phải những vấn đề này, mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo cho cả bé và mẹ khỏe mạnh nhé.
-Vòng hai nhỏ
Nếu những lần khám thai định kỳ không chỉ ra điều gì bất thường, bạn chẳng có lý do gì để âu sầu do chiếc bụng nhỏ. Đặc biệt, với những bà mẹ lần đầu mang thai, cơ bắp vẫn giữ được độ săn chắc, vòng hai trông sẽ gọn gàng hơn so với những bà mẹ đã trải qua một vài lần sinh con.
Chỉ có những trường hợp bụng nhỏ bất thường mới đáng băn khoăn. Có thể bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để kiểm tra xem bé có chậm tăng trưởng so với chuẩn không. Ngoài ra, bụng bầu nhỏ cũng có thể phản ánh tình trạng thiểu ối hoặc cao huyết áp của người mẹ.
Chiều dài mới quan trọng
Chỉ số mà các bác sĩ chú ý nhất ở bụng của bạn chính là chiều dài tử cung. Bụng bạn sẽ không to lên nhiều trước tuần thai thứ 12. Kể từ dấu mốc này, bạn sẽ thấy vòng 2 ngày càng gia tăng kích cỡ cho đến khi chào đón bé yêu ra đời, do tử cung đang lớn lên cùng với bé yêu ở bên trong. Từ tuần thứ 18 – 20 của thai kỳ, tử cung đã cao đến rốn. Ở các tuần thai sau đó, các bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ dùng một chiếc thước dây để đo chiều dài tử cung tính từ xương mu. Chiều dài đo được thường sẽ tương ứng với tuần thai của bạn.
Không có quy định chuẩn về chu vi hay đường kính của vòng 2 dành cho thai phụ, nên bạn không nên lo lắng khi bụng mình nhỏ hoặc to hơn những người khác. Điều mà mẹ bầu nên thực sự quan tâm là sức khỏe của mình để cùng bé yêu vượt qua 40 tuần mong mỏi và hướng đến ngày về đích.
Nguồn:MarryBaby