Nước ối đóng vai trò vô cùng quan trọng vì vừa là vỏ bọc thai nhi, vừa cung cấp nguồn dinh dưỡng nhất định cho bé phát triển. Trường hợp đa ối khi mang thai ở mức cao và không tự điều chỉnh được thì cả mẹ và bé sẽ đều có thể đối diện với những nguy cơ nghiêm trọng.
Đa ối khi mang thai là một triệu chứng vô cùng nguy hiểm, các biến chứng có thể đe dọa thai nhi nên việc cấp cứu cần được diễn ra ngay lập tức đề phòng vỡ ối. Tùy vào mỗi giai đoạn trong thai kỳ mà lượng nước ối của mẹ có thể tăng giảm khác nhau nên việc khám thai định kỳ sẽ đảm bảo phát hiện ra sớm những bất thường ở nước ối.
Đa ối khi mang thai xuất phát từ đâu?
Nước ối là một lượng chất lỏng được tái tạo liên tục và khép kín theo chu kỳ, thông qua dạ dày và thận của em bé. Với cơ chế hoạt động tuần hoàn, lượng nước ối luôn được duy trì nên nếu nước ối tăng hay giảm thất thường sẽ xuất hiện những mối đe dọa đến môi trường phát triển của bé. Trên thực tế có đến 2/3 trường hợp đa ối khi mang thai không xác định rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên các nghiên cứu thống kê đã ghi nhận người mẹ nằm trong những trường hợp sau có nguy cơ bị đa ối cao hơn:
- Bà bầu bị đái tháo đường: Cứ 100 thai phụ bị tiểu đường trong 3 tháng cuối thì 10 mẹ sẽ bị đa ối, do đường trong máu mẹ sẽ tác động đến quá trình tạo máu.
- Người mẹ mang song thai hoặc đa thai: Do quá trình trao đổi chất giữa hai bào thai không được cân bằng (một bào thai có ít nước ối trong khi bào thai kia có nhiều nước ối hơn).
- Do những bất thường ở bào thai: Nếu như thai nhi không uống nước ối – đi tiểu sẽ khiến lượng nước ối dư thừa, nguy cơ này xảy ra nhiều với những thai nhi bị hở hàm ếch, hẹp môn vị…
Ngoài ra, đa ối khi mang thai còn xảy ra nhiều với những mẹ bị thiếu máu, thiếu dinh dưỡng ở bào thai; nhiễm trùng bào thai, bất đồng nhóm máu mẹ con…
Những biến chứng khi mẹ bị đa ối
Đa ối hay thiếu ối đều nằm trong nhóm những nguy cơ đe dọa thai kỳ. Nhất là khi tình trạng đa ối nếu xuất hiện sớm và lượng nước ối tăng nhanh thì khả năng mẹ bị biến chứng rất cao. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi mẹ bầu bị đa ối:
- Mẹ có nguy cơ vỡ màng ối sớm do lượng nước ối trong tử cung quá cao.
- Thai nhi không quay đầu, thai ngôi mông, khó sinh.
- Bong nhau thai hoặc sa dây rốn.
- Nước ối dư thừa cũng làm ảnh hưởng đến khung xương và sự tăng trưởng của thai.
- Mẹ khó khăn khi sinh thường, dễ bị nhiễm trùng hậu sản.
- Nguy cơ thai lưu và sinh non khá cao.
- Mẹ có thể đối diện với nhiều tai biến khi sinh như băng huyết, cạn ối, thai ngạt do thiếu oxy…
Cách xử lý hiện tượng đa ối khi mang thai
Nếu như mẹ thực hiện khám thai định kỳ thường xuyên thì khả năng tai biến với đa ối sẽ được hạn chế tối đa. Với trường hợp đa ối do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng kháng sinh an toàn cho thai nhi.
Trường hợp nặng hơn khi bà bầu bị khó thở, tức ngực, bụng căng cứng thì bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh chóng và thực hiện chọc ối để lấy bớt lượng nước ối ra ngoài. Thủ thuật này cũng dẫn đến nhiều nguy cơ tai biến như vỡ ối, nhiễm trùng ối, bong nhau thai…
Nếu bà bầu bị đa ối khi mang thai 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ sẽ được siêu âm để nhằm khảo sát hình thái học thai nhi và sàng lọc nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Mẹ bầu bắt buộc phải tuân thủ pháp đồ điều trị của bác sĩ, chú ý hơn về ăn uống và nghỉ ngơi cũng như tuân thủ lịch hẹn khám thai theo tuần.
Nếu bị đa ối trong giai đoạn 3 tháng cuối, dựa vào biểu đồ tăng trưởng của thai mà một số các xét nghiệm của thai nhi sẽ được diễn ra. Một số trường hợp, thai phụ sẽ được chỉ định dùng thuốc trưởng thành phổi để tránh nguy cơ sinh non. Trong sinh hoạt hàng ngày, để tránh bị dư nước ối thì thai phụ nên chủ động xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và chú ý nghỉ ngơi trong suốt thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn:Conlatatca.vn