Những hành vi chưa đúng mực của bé với mẹ được chuyên gia tâm lý giải đáp và hướng dẫn cách giải quyết.
Trong các tình huống cuộc sống hàng ngày, không ít mẹ phải than phiền rằng con rất nghịch ngợm, có lúc thì bướng bỉnh, mè nheo, thậm chí ăn vạ với mẹ hoặc cứ có mẹ là lại hành động không ngoan. Chuyên gia tâm lý lâm sàng, người sáng lập và giám đốc Trung tâm Tâm lý học Innerbalance Psychology Center tại New Jersey và Philadelphia, (Mỹ), bà Dawn M. Raffa và nhà trị liệu Tâm lý Ana Jovanovic sẽ cùng tìm câu trả lời cho những thắc mắc về cách ứng xử của trẻ với mẹ.
Một bà mẹ trẻ có con bắt đầu đi học mẫu giáo kể lại rằng tuần đầu tiên con đi học, chị đã phải nín thở vì sợ con bị khủng hoảng tâm lý. Quả đúng vậy, cô bé tỏ ra khá cứng đầu và bướng bỉnh, phản đối thậm chí có những hành động khiến mẹ vô cùng bực bội. Thế nhưng chị khá bất ngờ khi cô giáo con nói ở lớp con rất ngoan, ý thức tốt, con ngồi trật tự và chăm chú học bài cô dạy. Chị nhận ra con không phải đứa trẻ hư mà chỉ là hư với mẹ mà thôi.
Chuyên gia cho rằng những hành vi ứng xử chưa ngoan của bé với mẹ là có thật. Bà Dawn M. Raffa cho hay: “Các mẹ thường là người chăm sóc chính và gắn bó nhiều nhất trong cuộc sống của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi thể hiện tất cả cảm xúc và hành vi của mình với mẹ, vì tình yêu vô điều kiện của người mẹ dành cho con cái, luôn sẵn sàng ở bên cạnh con cho dù con có hư đến đâu đi chăng nữa”.
Trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn khi thể hiện tất cả cảm xúc và hành vi của mình với mẹ (Ảnh minh họa).
Điều đó có nghĩa là trẻ đang muốn thử thách và tìm kiếm các giới hạn. Bà Ana Jovanovic chia sẻ thêm: “Mẹ là người chứng kiến các phạm vi giới hạn và hành vi ứng xử của con cái nhiều hơn bất kể ai, đơn giản vì mẹ dành nhiều thời gian ở bên con, điều mà không phải ai cũng làm được”.
Mặc dù trẻ có hành vi chưa đúng mực với mẹ nhưng điều đó không có nghĩa là có gì đó bất ổn với cả mẹ và trẻ. Những hành vi xấu, thái độ không tốt của trẻ cần được điều chỉnh theo kỉ luật và tuân thủ theo một trật tự nhất định. Bà Ana cho rằng có thể chính người mẹ cũng đã tỏ ra quá dễ dãi nên con cái mới lấn lướt và hư với mẹ như vậy. Bà đưa ra lời khuyên rằng người mẹ nên có sự nhất quán và tạo ra ranh giới cũng như kỉ luật thưởng phạt rõ ràng để trẻ tuân theo. Sự không nhất quán, quy định lỏng lẻo sẽ dễ dàng tạo ra sự nhầm lẫn và dẫn đến hành vi hư của con trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ hư với mẹ, mẹ nên tự đặt ra các câu hỏi về chính mối quan hệ của mẹ với trẻ, sự đồng cảm thấu hiểu đang ở mức nào, liệu có nguyên nhân sâu xa nào hay không. Khi trả lời được câu hỏi thì mẹ sẽ tự tìm cho mình được phương án giải quyết triệt để nhất. Bà Raffa giải thích thêm: “Hành vi xấu của một đứa trẻ thường liên quan trực tiếp đến phong cách nuôi dạy con cái và các chiến thuật kỷ luật, quản lý lỏng lẻo, không mấy hiệu quả của mẹ và người lớn trong gia đình. Tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ như trẻ mắc chứng rối loạn tâm lý, có vấn đề về tâm sinh lý”. Nếu mẹ phát hiện bất cứ điều gì bất ổn trong cách hành xử của con, hãy xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia, y bác sĩ.