Giai đoạn “bầu bí” là khoảng thời gian mẹ bầu cần quan tâm rất nhiều đến vấn đề dinh dưỡng. Việc phải “nạp” quá nhiều thông tin có thể khiến mẹ “quên nọ, quên kia” nhưng tuyệt đối mẹ không nên “lơ là” một số lưu ý dinh dưỡng khi mang thai dưới đây.
Bổ sung đủ axit folic cho cơ thể
Axit folic có tác dụng giúp tái tạo tế bào, tổng hợp ADN nên nó vô cùng quan trọng đối với mẹ bầu. Vi chất này sẽ giúp bào thai phát triển một cách toàn diện, nhất là hệ thần kinh và thai nhi cũng tránh được các biến cố hay bệnh tật bẩm sinh nguy hiểm (hở xương sống, hở hộp sọ, vô não…).
Axit folic cũng giúp các mẹ bầu giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ, nhiễm trùng, sảy thai và bệnh hậu sản như bị băng huyết sau sinh. Đồng thời giúp hạn chế tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, giảm tỉ lệ tử vong cho cả mẹ và bé.
Chính vì tác dụng lớn của axit folic mà mẹ chớ nên quên bổ sung vi chất này trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Nếu mẹ dự định có thai thì cần bổ sung axit folic từ trước khi mang thai khoảng 3 tháng. Tùy thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ mà mẹ nên “nạp” từ 400-600mcg mỗi ngày và không bổ sung quá 1000mcg/ngày. Mẹ có thể bổ sung bằng cách uống viên axit folic hoặc ăn các loại thực phẩm giàu axit folic như gan, các loại rau xanh, các loại quả mọng như cà chua…, các loại đậu…
Bổ sung đủ lượng canxi
Khi mang thai, việc bổ sung canxi cho cơ thể là rất quan trọng. Canxi chiếm tới 99% trong xương và răng của cơ thể mẹ bầu và thai nhi. Nếu không có đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi sẽ phải dùng đến lượng canxi lấy từ chính xương của mẹ – làm tăng nguy cơ mẹ bị loãng xương sau này. Vì thế, mẹ nên bổ sung đủ lượng canxi mỗi ngày (1000mg/ngày).
Tuy nhiên, muốn hấp thu canxi thì phải có vitamin D. Vi chất này giống như người điều hành ở trung ương, có cho canxi vào xương hay không thì mới được phép vào. Để có đủ vitamin D, cơ thể phải lấy từ 3 nguồn thức ăn hằng ngày, ánh nắng mặt trời và vitamin D uống trực tiếp, trong đó phần lớn vitamin D được tổng hợp từ thức ăn.
Không “ăn cho hai người”
Nhiều mẹ bầu muốn con khỏe mạnh và phát triển nhanh hơn nên bổ sung càng nhiều chất càng tốt vào cơ thể mà không có hướng kiểm soát nhất định về chế độ dinh dưỡng hay khẩu phần ăn hằng ngày của mình.
Điều đó đồng nghĩa với việc bao nhiêu món ngon, bổ đưỡng, mẹ bầu đều nạp hết vào cơ thể vì mục đích chung “cho con khỏe mạnh”. Đây là những quan niệm vô cùng sai lầm bởi việc ăn nhiều không chỉ khiến mẹ tăng cân vù vù, tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tim, đột quỵ, vô sinh, trầm cảm và một vài dạng ung thư khác mà còn khiến việc sinh nở gặp khó khăn.
Chưa kể đến việc, những loại thức ăn mẹ nạp vào cơ thể chỉ khiến mẹ tăng cân còn con không được “hưởng” chút dinh dưỡng nào, sinh ra bị còi cọc.
Tránh các chất có cồn và cafein
Khi mang thai sử dụng các chất có cồn như rượu, bia, cocktail… có thể khiến thai nhi bị rối loạn hành vi, rối loạn khả năng tập trung, hiếu động thái quá sau này. Ngoài ra, các thức uống có chứa cafêin cũng làm mẹ bầu có nguy cơ sảy thai.
Vì vậy, mẹ cần nhớ một lưu ý quan trọng về dinh dưỡng khi mang thai nữa là tuyệt đối tránh các chất này nếu muốn sinh ra một em bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Tăng cường bổ sung protein
Chú trọng chọn những loại thực phẩm giàu protein là một trong những lưu ý về dinh dưỡng khi mang thai như thịt nạc, thịt gà, cá (cần ăn cá ít nhất 2 lần trong tuần), trứng và đậu. Ngoài việc cung cấp protein đây cũng là những thực phẩm chứa lượng sắt dồi dào, cần thiết cho nhu cầu phát triển của thai nhi.
Không để cơ thể thiếu sắt
Trong giai đoạn thai kỳ, cơ thể mẹ bầu cần gấp đôi lượng sắt so với người bình thường để hỗ trợ tăng 50% về lưu lượng máu và thúc đẩy lưu trữ sắt ở thai nhi. Để giúp việc chuyển hóa sắt trong cơ thể tốt hơn, hãy kết hợp các thực phẩm giàu chất sắt (thịt bò, lòng đỏ trứng, gan…) với các loại thực phẩm giàu Vitamin C như trái cây họ cam chanh chẳng hạn cũng là một lưu ý quan trọng về dinh dưỡng khi mang thai.
Nguồn:Conlatatca.vn