Lý do không nên cho trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ

1125
Các chuyên gia y tế cho rằng việc trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, dễ gây ra những tác hại không đáng có cho trẻ.

Thời đại công nghệ kỹ thuật số, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, chính là cơ hội cho trẻ dễ dàng tiếp cận với những vật dụng thiết bị công nghệ cao. Những món đồ thuộc dòng điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, ipad… trở thành những vật dụng thân thiết với trẻ và là vật dụng “hữu dụng” của nhiều bậc phụ huynh dùng để “dỗ dành” trẻ ăn hoặc giữ trẻ ngồi yên, tránh cho trẻ nghịch ngợm, quấy rầy. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng cách làm này sẽ ẩn chứa rất nhiều mối nguy hiểm, dễ gây ra những tác hại không đáng có cho trẻ.

Làm thay đổi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái

Trong độ tuổi từ 0 đến 2, não của trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần về kích thước. Trong thời gian này, giọng nói của cha mẹ, những cái chạm và chơi đùa cùng nhau sẽ giúp xây dựng một nhận thức trong não của trẻ, giúp trẻ học được cách gắn kết tình cảm với người khác, đặc biệt những người chúng thường xuyên tiếp xúc.

Tuy nhiên, với những đứa trẻ thường xuyên tiếp xúc với màn hình smartphone hay máy tính bảng, nhận thức của chúng sẽ khác.

“Liên kết thần kinh của trẻ sẽ thay đổi và sẽ tạo ra những nhận thức khác”, chuyên gia tư vấn và y tá nhi khoa Denise Daniels cho biết. “Smartphone sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung, lòng tự trọng và trong nhiều trường hợp sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ sâu sắc giữa trẻ và cha mẹ”.

Có thể “gây nghiện”

Smartphone và máy tính bảng cho phép một đứa trẻ có được bất cứ thứ gì chúng muốn chỉ bằng một cú nhấp tay. Tuy nhiên, nếu không dạy trẻ cách sử dụng điều độ, kiểm soát xung đột hoặc tự thử thách chính mình, đó sẽ là đặc điểm của một tính chất “gây nghiện”.

“Một trong những điều tuyệt vời của smartphone và máy tính bảng đó là luôn có những điều mới mẻ để khám phá và sự mới mẻ đó gần như vô hạn”, tiến sĩ Gary Small, Giáo sư tâm thần học và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thần kinh và Hành vi con người thuộc Đại học California (Los Angeles, Mỹ) cho biết. “Vì lý do đó, rất khó để từ bỏ và ngưng sử dụng smartphone hay máy tính bảng”.

Tăng nguy cơ trẻ bị béo phì

Tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng gia tăng, nhất là trẻ ở những thành phố lớn. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sức khỏe này là do trẻ chơi điện tử quá “độ” khiến trẻ thường ngồi lì một chỗ, rất ít vận động. Hơn nữa, chơi game làm trẻ hưng phấn, khiến trẻ ăn, uống những thức ăn có nhiều đường không được người lớn giám sát.

Ảnh hưởng xương

Chơi điện tử có sức hút “mê hồn” rất khó kéo trẻ ra khỏi thế giới trò chơi mà trẻ đang tập trung trên thiết bị thông minh. Chơi game quá nhiều giờ, trẻ phải ngồi lâu một chỗ và lười vận động khiến cho xương của trẻ khó phát triển một cách toàn diện.

Tổn thương mắt

Trẻ tập trung chú ý chơi trò chơi điện tử quá lâu, cộng với ánh sáng của thiết bị công nghệ sẽ gây mỏi mắt cho trẻ do mắt phải điều tiết nhiều. Ngoài ra, những yếu tố như khoảng cách từ mắt trẻ tới vật dụng thực hiện trò chơi không đảm bảo theo quy định, hoặc lượng ánh sáng không đủ hay quá sáng… đều có thể gây tổn thương cho đôi mắt của trẻ, làm cho trẻ có cảm giác nhìn mờ, nheo mắt, nhức đầu, thậm chí có thể làm trẻ bị cận thị, loạn thị… trong tương lai không xa.

Ngoài ra, các thiết bị công nghệ còn làm hạn chế khả năng giao tiếp, tiếp xúc của trẻ đối với thế giới xung quanh. Nhiều ông bố, bà mẹ suy nghĩ cho con “ôm iPad” để ăn nhanh, ngồi yên, không nghịch ngợm mà không nghĩ hậu quả là có những trẻ đến 5, 6 tuổi vẫn không tự ăn, thiếu thích nghi với môi trường xã hội, không tự lập.

Ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý

Thông thường, trẻ cần được phát triển tâm lý tự nhiên bằng cách tiếp xúc với những người khác để biết cảm thông, chia sẻ, biết thể hiện cảm xúc, hoàn thiện các kỹ năng giao tiếp xã hội, các kỹ năng cộng đồng.

“Giao tiếp là điều cơ bản để thiết lập các mối quan hệ của con người, những biểu hiện qua giao tiếp đang dần biến mất với các thiết bị công nghệ hiện đại”, nhà tâm lý học Jim Taylor cho biết. “Trẻ em đang dành quá nhiều thời gian để giao tiếp thông qua các thiết bị công nghệ, bỏ qua việc phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản mà con người đã sử dụng từ trước đến nay. Giao tiếp không chỉ đơn thuần là lời nói”.

Tăng khả năng mắc các chứng bệnh về tâm thần

Theo các chuyên gia tâm lý, việc dành quá nhiều thời gian trên smartphone và máy tính bảng là một yếu tố làm gia tăng các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ em, như tình trạng trầm cảm, lo âu rối loạn cảm xúc, rối loạn thiếu tập trung, rối loạn tập trung, rối loạn hành vi…

Khiến trẻ em trở nên hung hăng hơn

Bởi vì trẻ em không thể tự học được sự đồng cảm khi sử dụng quá mức các thiết bị công nghệ, và nếu hình thành thói quen bắt nạt người khác trên Internet, chúng cũng sẽ xem việc bắt nạt người khác ở ngoài đời thực là bình thường.

Thiếu đi các kỹ năng cộng đồng

Học tập những kỹ năng cộng đồng là một yếu tố cần thiết để tạo nên thành công cho một đứa trẻ, tuy nhiên nếu nghiện smartphone và máy tính bảng, trẻ em sẽ không còn hứng thú với việc học tập các kỹ năng cộng đồng.

Hãy để những đứa trẻ “nghiện” smartphone đặt máy xuống, giao tiếp nhiều hơn với người thân trong gia đình, những đứa trẻ cùng trang lứa để giúp chúng tăng kỹ năng giao tiếp, tìm hiểu sự đồng cảm… Dĩ nhiên, để làm được điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh cũng cần phải có sự đồng cảm với chính con của mình.

An Hoa (t/h)