Ho luôn là “nỗi ám ảnh” của các bậc làm cha làm mẹ và các trẻ nhỏ. Nhiều mẹ vì quá nóng lòng muốn con mau hết bệnh mà có những cách chữa trị cho trẻ tại nhà không đúng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Dưới đây là những điều các bà mẹ cần chú ý trong cách chữa ho cho trẻ 1 tuổi để bé mau chóng hết bệnh.
Nhận diện đúng triệu chứng ho ở trẻ
Trẻ bị ho khan
Là tình trạng ho không có đờm, thường gặp khi bị viêm họng, ngạt mũi hay hắt hơi, chảy nước mũi, không phải do viêm phổi hay viêm phế quản. Khi trẻ ho sẽ khiến cho trẻ bị nôn, trớ, dễ làm cho bé mệt mỏi, chán ăn sau mỗi lần ho.
Trẻ bị ho có đờm
Là khi trẻ ho thường tiết nhiều đờm loãng hoặc đặc. Đây có thể là một trong các triệu chứng của bệnh viêm xoang hay viêm phế quản ở trẻ em. Cha mẹ có thể nhận thấy trẻ có đờm khi bé ho có cảm giác nặng ngực, mệt và hơi khó thở.
Trẻ bị ho sù sụ
Đây là dấu hiệu thường thấy khi trẻ bị nhiễm trùng thanh khí quản. Bệnh này xảy ra do dị ứng thời tiết khi thay đổi nhiệt độ hoặc là do virus gây nhiễm trùng đường hô hấp gây nên. Bệnh thường hay phát về đêm và dễ nhận thấy khi nghe tiếng thở của bé khò khè, thở lớn do nhiễm trùng hay do sưng phần trên của đường hô hấp. Đa số các trường hợp ho này là do bệnh bạch hầu thanh quản, một dạng bệnh nhiễm trùng thanh quản và khí quản.
Trẻ bị ho gà
Là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn bordetella và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Các triệu chứng khi trẻ bị ho gà là ho nhiều, chảy nước mũi, hắt hơi và sốt nhẹ. Ho gà là chứng bệnh dễ lây lan. Vi khuẩn có thể lây từ người bệnh qua chất dịch văng vào không khí lúc người bệnh ho hay hắt hơi.
Trẻ bị ho khò khè
Ho đi kèm với chứng thở khò khè có thể là dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp dưới, khi đường hô hấp bị cản bởi vật thể lạ hay do nước nhầy từ nhiễm trùng đường hô hấp tiết ra.
Lưu ý khi trị ho cho trẻ 1 tuổi
Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh
Dù biết rằng trẻ có bệnh phải dùng thuốc nhưng nếu tình trạng ho của bé nhẹ, không có gì đáng kể thì bố mẹ không nhất thiết phải cho trẻ dùng thuốc. Việc lạm dụng kháng sinh có thể gây lờn thuốc hoặc một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe còn non nớt của trẻ.
Tiêu biểu là trẻ dễ bị loạn khuẩn đường ruột. Khi trẻ bị loạn khuẩn đường ruột thể nặng, có thể bị viêm tiểu kết tràng, có tổn thương thực thể ở ruột kết, hoặc có thể dẫn tới hội chứng lỵ, bị tả do tụ cầu gây ra và thậm chí là bị bệnh viêm ruột ở trẻ sau này.
Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ
Khi trẻ bị ho, các bậc cha mẹ thường quá lo lắng nên thường nghĩ đến việc mua thuốc cho con dùng mà quên mất rằng những biện pháp vệ sinh đường mũi họng đơn giản cũng giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.
Khi trẻ bị ho, sổ mũi, đau họng, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý Natri clorid 0,9% để rửa mũi cho trẻ. Trong một số trường hợp chỉ bằng những cách đơn giản này trẻ có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
Cho trẻ tắm nước gừng ấm
Gừng có tính ấm, vị cay, khi uống giúp làm dịu cổ họng còn khi tắm giúp làm ấm cơ thể, hạn chế các cơn ho của trẻ. Mẹ lấy củ gừng rửa sạch, nướng trên bếp đến khi cháy xém. Để gừng nguội, lột vỏ, cắt thành từng lát rồi cho vào thau nước tắm ấm của bé.
Trong quá trình tắm mẹ cần lưu ý cho ngực và lưng trẻ phải ngập nước, tắm nơi kín gió. Nhiều bậc phụ huynh sẽ lo ngại việc trẻ bị ho mà tắm sẽ làm cho tình trạng càng trầm trọng hơn nhưng hãy cứ yên tâm nhé bởi các bác sĩ nhi hàng đầu đều khuyến cáo rằng việc tắm cho bé đúng cách sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh chóng.
Sử dụng một số bài thuốc dân gian trị ho
Có một số bài thuốc trị ho cho trẻ được ông bà ta sử dụng rất hiệu quả. Một số loại thảo dược và thành phần tự nhiên có tác dụng giảm ho cho trẻ như: lá húng chanh, cây kim ngân, mật ong, gừng, đường phèn, quất xanh, cam thảo, bạc hà… Tuy nhiên, mẹ nên biết rằng khi sử dụng những phương pháp Đông y này sẽ tốn nhiều thời gian nhưng lại rất an toàn cho trẻ khi sử dụng.
Nguồn:Conlatatca.vn