Dấu hiệu phân của trẻ sơ sinh bình thường
Vài ngày sau khi sinh, phân của trẻ thường có màu xanh đen – được gọi là phân su. Phân su chứa toàn bộ các “chất thải” của bé khi còn trong bụng mẹ như: nước ối, bã nhờn và các tế bào biểu mô. Khoảng từ 6-12h sau khi sinh, bé sẽ có lượt thải phân su đầu tiên và duy trì trong 2-3 ngày.
Sau đó, màu xanh đen của phân sẽ chuyển dần thành màu vàng do bé uống sữa mẹ. Hình thái phân nhão, có thể lợn cợn hoặc vón cục.
Trong những tuần đầu tiên, bé có thể đi tiêu 5-6 lần một ngày, dần dần cơ thể bé sẽ thiết lập chu kì được chu kì, 1 ngày/1 lần hoặc 2-3 ngày/1 lần. Có những bé 1 tuần/1 lần mẹ cũng đừng lo lắng nếu phân mềm và ra dễ dàng.
Khi bé chuyển sang uống sữa công thức, bé sẽ có phân nhiều hơn do lượng sữa bột chỉ được hấp thụ một phần. Phân sẽ có màu vàng nhạt, vàng nâu và nặng mùi.
Bắt đầu ăn dặm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phân của bé. Trong giai đoạn này, hệ tiêu hóa của bé mới bắt đầu làm quen với các loại thực phẩm khác nhau. Lượng chất bé hấp thu được không nhiều, bé có thể “thải ra” thức ăn còn nguyên hình dạng và màu sắc. Phân của bé lúc này thường có màu đậm hơn và nặng mùi hơn.
Dấu hiệu phân của trẻ sơ sinh khi bé bị bệnh
Mẹ có thể quan sát hình thái và màu sắc phân của trẻ sơ sinh để nhận biết các dấu hiệu bệnh lý ở trẻ:
Về màu sắc
– Phân có màu đen: Nếu mẹ không bổ sung sắt cho bé mà phân của bé có màu đen thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.
– Phân có màu đỏ: Nếu mẹ không cho bé ăn các thực phẩm có màu đỏ như: rau dền, dưa hấu thì rất có thể bé đã đi tiêu ra máu. Có các trường hợp sau mẹ cần xem xét:
+ Khi bé gặp rắc rồi với việc tiêu hóa protein sữa, phân sẽ có hình thái bình thường và màu đỏ tươi.
+ Bé bị táo bón kèm phân dính máu: hậu môn của bé có những vết xước.
+ Phân tiêu chảy dính máu là dấu hiệu nguy hiểm cho thấy bé bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
– Phân màu trắng: Mẹ hãy đưa bé đi khám bác sĩ ngay vì đó là triệu chứng của các bệnh về gan, mật.
– Màu xanh lá cây thường có trong hai trường hợp:
+ Khi bé bú mẹ mà phân có màu xanh lá cây có nghĩa là bé đã hấp thu quá nhiều lactose – một loại đường tự nhiên thường có ở phần đầu của sữa mẹ. Nếu mẹ chỉ cho bé bú một nửa bầu sữa thì bé sẽ không được hấp thu hết lượng chất dinh dưỡng có trong sữa. Mẹ hãy cho bé bú hết một bên rồi mới chuyển sang bên còn lại.
+ Nếu mẹ cho bé uống sữa công thức mà phân chuyển màu xanh lá, mẹ hãy chuyển sang loại sữa thích hợp hơn với trẻ nhé.
– Phân màu rất nhạt: Đây là dấu hiệu của bệnh vàng da. Vàng da rất hay gặp ở trẻ sơ sinh trong những ngày đầu và thường tự hết. Tuy nhiên khi phát hiện vàng da mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì rất có thể là triệu chứng của bệnh gan.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị tiêu chảy khi phân của trẻ rất lỏng, đi tiêu nhiều lần và phân phun mạnh ra từ hậu môn. Nguyên nhân tiêu chảy là do dạ dạ dày trẻ nhiễm trùng, di ứng thức ăn hoặc do phản ứng với thuốc.
Khi đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức cũng có thể dẫn đến hiện tượng tiêu chảy. Mẹ cần tìm ra nguyên nhân để hạn chế khả năng tiêu chảy của trẻ.
Thông thường tiêu chảy sẽ tự hết trong vòng 1 ngày. Nếu qua 24 tiếng bé vẫn bị hoặc đi tiêu quá 6 lần/ ngày mẹ hãy đưa bé tới các cơ sở y tế để phòng tránh nguy cơ mất nước.
Táo bón ở trẻ
Khi trẻ bị táo bón, phân của trẻ thường khô cứng, trẻ quấy khóc, khó chịu trong lúc đi tiêu. Trẻ thường bị táo bón khi có chế độ ăn uống không thích hợp: cơ địa không phù hợp với loại sữa công thức mẹ dùng, cho trẻ uống quá ít nước hoặc do tác dụng phụ của thuốc.
Táo bón có thể gây nên những vết rách ở hậu môn làm cho phân bị lẫn máu. Vậy nên mẹ hãy nhờ tới chuyên gia y tế để chữa dứt điểm tình trạng này ở trẻ nhé.
Sữa mẹ giúp hạn chế phần lớn tính trạng táo bón và tiêu chảy ở trẻ. Vì thế mẹ hãy cho bé bú sữa mẹ trong khoảng thời gian lâu nhất có thể. Khi mẹ chuyển sang bất kì giai đoạn nào, hãy làm từ từ để trẻ dần thích nghi với những loại thức ăn mới mẹ nhé.
Nguồn:Conlatatca.vn