Vì sao trẻ bị thiếu kẽm?

980

trẻ bị thiếu kẽm khó ngủ ngon

Nếu trẻ bị thiếu kẽm trong thời gian dài, sức khỏe thể chất lẫn trí tuệ của bé đều bị sụt giảm. Bạn cần kịp thời phát hiện để bổ sung dưỡng chất này cho trẻ nhé!

Việc thiếu nguyên tố kẽm trong thời gian dài sẽ khiến số lượng tế bào não bị suy giảm. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và làm sức đề kháng của trẻ yếu đi.

Lý do vì sao trẻ bị thiếu kẽm?

1. Khả năng hấp thu không tốt

Tình trạng thường xuyên bị tiêu chảy, dù do bất kỳ nguyên nhân nào thì khả năng cơ thể bé hấp thu kẽm cũng bị hạn chế. Lúc này bố mẹ cần đặc biệt chú ý bổ sung dưỡng chất hợp lý cho trẻ, song song với quá trình điều trị bệnh.

Trẻ bị thiếu kẽm còn có thể do hấp thu quá nhiều chất xơ thô và muối axit thực vật trong một số loại ngũ cốc. Ngoài ra, việc ăn quá nhiều thực phẩm tinh chế trong thời gian dài cũng làm tiêu hao một lượng lớn nguyên tố kẽm trong cơ thể của trẻ.

2. Chế độ ăn uống mất cân bằng

Ở đây có 2 trường hợp, một là thực đơn của mẹ, hai là thực đơn của con.

Khi mang thai và trong thời gian cho con bú, cơ thể mẹ cần rất nhiều kẽm. Chính vì vậy, lúc này nếu người mẹ ăn chay với những nguyên liệu thực vật thường chứa ít kẽm (hoặc ăn mặn mà chế độ ăn uống không khoa học) cũng sẽ dẫn đến thiếu kẽm cho cả mẹ và con.

Hai là do bạn chế biến thực đơn ăn dặm cho trẻ không hợp lý, tạo thành thói quen ăn uống mất cân bằng cho trẻ nên gây ra thiếu dưỡng chất cần thiết, trong đó bao gồm cả nguyên tố kẽm.

Ngoài ra, khi trẻ mắc các bệnh viêm nhiễm, sốt thì nhu cầu đối với kẽm của cơ thể càng tăng. Trong khi đó lúc này trẻ lại biếng ăn hơn nên càng dễ bị thiếu kẽm.

3. Lượng kẽm bị thất thoát quá nhiều

Một số tình trạng như bỏng, ngoại thương, máu loãng, mất máu nhiều lần… sẽ khiến một lượng lớn kẽm thất thoát theo huyết dịch.

Bên cạnh đó, nếu trẻ đang điều trị bệnh gan xơ cứng hoặc suy thận thì một số loại thuốc khi kết hợp với kẽm sẽ dẫn đến hiện tượng đào thải thông qua nước tiểu, khiến trẻ bị thiếu kẽm.

4. Khiếm khuyết do di truyền

Chức năng hấp thu kẽm của ruột non bị khiếm khuyết nên làm giảm lượng kẽm trong cơ thể. Hậu quả khiến một số trẻ bị viêm da cơ địa.

Đồng thời, hàm lượng kẽm trong huyết tương, tế bào hồng cầu và các cơ cũng giảm thấp, dẫn đến tổn thương  da, gây tiêu chảy có tính chất cố định, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của trẻ, giảm khả năng miễn dịch khiến trẻ càng dễ bị viêm nhiễm và lẩn quẩn trong cái vòng ác tính.

Triệu chứng trẻ bị thiếu kẽm

1. Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Nếu bạn phát hiện trẻ thường ngồi không yên, không tập trung, lúc nào cũng phải cử động cơ thể… thì nên cân nhắc xem có phải trẻ bị thiếu kẽm. Lúc này, bạn kịp thời bổ sung kẽm đúng cách, tránh để kéo dài gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.

2. Trẻ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm

Trẻ bị thiếu kẽm sẽ khiến chức năng miễn dịch suy giảm. Đây là lý do dẫn đến tình trạng trẻ dễ bị viêm nhiễm hơn, đặc biệt là thường xuyên bị viêm đường hô hấp hoặc viêm phổi, viêm khí quản… Ngoài ra, khi cơ thể thiếu hụt kẽm, thị lực và trí lực của trẻ cũng bị ảnh hưởng theo.

3. Trẻ chậm phát triển

Bố mẹ nên thường xuyên quan sát, xem so với bạn cùng trang lứa, bé nhà mình có sự chênh lệch lớn trong quá trình phát triển hay không. Rất nhiều trường hợp trẻ chậm phát triển do chế độ ăn uống không hợp lý. Mẹ nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ để kịp thời bổ sung các nguyên tố bị thiếu hụt, trong đó có kẽm.

4. Khả năng miễn dịch kém

Tình trạng thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của cơ thể. Trẻ dễ mắc các bệnh dịch, đặc biệt là càng dễ bị cảm sốt thường xuyên hơn so với những trẻ được hấp thu đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.

Làm sao để bổ sung kẽm cho trẻ an toàn và hợp lý

1. Hàm lượng kẽm cần thiết ở từng độ tuổi không giống nhau

Thông thường bạn có thể tham khảo con số cơ bản về nhu cầu kẽm của cơ thể trong một ngày như sau: Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi cần 3mg; trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi cần 5mg; trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 10mg; sau tuổi này cho đến khi trưởng thành cần 10 – 15mg; riêng bà bầu hoặc mẹ đang cho con bú cần 20mg.

2. Sữa mẹ là nguồn bổ sung kẽm hiệu quả cho trẻ nhỏ

Trẻ sơ sinh cho đến khi ít nhất là 3 tháng tuổi nên được bú sữa mẹ. Đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng, trong đó có nguyên tố kẽm, an toàn và tốt nhất cho trẻ.

Bé bị thiếu kẽm

Sau độ tuổi này, bạn có thể kết hợp dần với sữa công thức cho bé. Song tốt nhất bạn vẫn nên duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Tỷ lệ hấp thu kẽm trong sữa mẹ ở trẻ rất cao, có thể đạt đến 62%, nồng độ kẽm ở sữa mẹ cao gấp 4 – 7 lần so với trong huyết thanh.

3. Tăng cường bổ sung kẽm từ thức ăn dặm

Thông thường khi được 4 – 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể bắt đầu ăn dặm. Nếu trẻ có biểu hiện thiếu kẽm, mẹ nên tăng cường các nguyên liệu giàu kẽm vào thực đơn như gan động vật, thịt nạc, lòng đỏ trứng, chạo cá, bột quả óc chó, hàu… Tuy nhiên, bạn cần căn cứ thể chất và tình trạng sức khỏe của trẻ để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Ngoài ra, bạn phải cân bằng, đa dạng hóa thực phẩm chế độ ăn uống của trẻ. Điều này giúp cho trẻ tránh bị thiếu dinh dưỡng, tránh tạo thành thói quen kén ăn, biếng ăn.

Mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hấp thu kẽm.

Nguồn:Marry Baby