4 cách nấu cháo cua cho bé ăn là “mê tít thò lò”

729

Cũng tương tự như nhiều loại thực phẩm cho bé ăn dặm khác, cua phải được chọn lựa từ nguồn hàng đảm bảo an toàn. Đồng thời mẹ cũng phải biết cách “mix” với thực phẩm khách thì cách nấu cháo cua cho bé mới đạt “chuẩn”.

Dĩ nhiên, khi nghĩ đến việc cho bé ăn thêm cua, cha mẹ nào cũng kỳ vọng hệ xương của bé sẽ thêm phần chắc khỏe. Bởi cua là thực phẩm giàu canxi và nhiều vi chất như axit béo omega 3, kẽm, kali… Quan trọng là cách nấu cháo cua cho bé sao cho đa dạng và ngon miệng nữa mà thôi!

Khi nào nên cho bé ăn hải sản?

Trẻ bắt đầu ăn dặm và ăn được hải sản là cột mốc quan trọng sau khi sinh mà mẹ nào cũng mong muốn hướng đến. Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, ngày nào bạn cũng có thể cho bé ăn 1-2 bữa hải sản, nhưng tùy theo tháng tuổi mà lượng ăn mỗi bữa khác nhau:

bé ăn hải sản

  • Trẻ 7-12 tháng: Mỗi bữa có thể ăn 20-30gr thịt của cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ) nấu với bột, cháo, mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, tối thiểu ăn 3-4 bữa/tuần.
  • Trẻ 1-3 tuổi: Mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc ăn mỳ, bún, súp…, mỗi bữa ăn 30- 40gr thịt hải sản.
  • Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Có thể ăn 1-2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50-60gr thịt của hải sản, nếu ăn ghẹ có thể ăn ½ con/bữa, tôm to có thể ăn 1 – 2 con/bữa (100g cả vỏ).

Lưu ý khi cho bé ăn cua biển

Vẫn biết rằng cua biển tươi, ngon rất bổ dưỡng cho bé nhưng với trẻ nhỏ, đặc biết là bé ăn dặm dưới 1 tuổi mẹ vẫn cẩn “cảnh giác” với hải sản, vì đây là thực phẩm dễ gây dị ứng:

  • Nên cho bé làm quen với thịt cua 2-3 ngày liên tục để xem các phản ứng tiêu cực có xảy ra hay không. Nếu mọi chuyện êm đẹp, mẹ có thể cho bé sử dụng thường xuyên như các loại thực phẩm chính khác.
  • Nên cho trẻ ăn thịt cua ít hơn so với định lượng thịt heo, cá vì cua có làm lượng đạm cao, ăn quá nhiều không tốt.
  • Khi chế biến, chỉ sử dụng phần thịt cua, không cho bé ăn gạch vì khiến trẻ bị đầy hơi, khó tiêu.
  • Sử dụng không hết thịt cua, nên bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh để bé sử dụng cho lần sau.

4 loại cháo cua cho bé còi xương

Sau khi đã chọn được những con cua biển ngon mẹ có thể kết hợp nấu cháo cua cho bé với các loại rau như mồng tơi, bồ ngót, khoai mỡ hoặc rau dền.

Cháo cua khoai mỡ

Nguyên liệu

  • 30gr thịt cua tươi
  • 10gr mỡ heo
  • 10gr thịt heo nạc
  • 100gr khoai mỡ
  • Hành, ngò gai
  • Gia vị các loại

Thực hiện

Mỡ heo cắt nhỏ, thịt heo nạc cắt mỏng, cho vào tô nhỏ cùng với thịt cua xay mịn. Sau đó nêm gia vị, dùng muỗng to quết lại một chút. Để khoảng 15 phút cho thấm gia vị.

Khoai mỡ gọt vỏ, nạo nhuyễn.

Cho 200ml nước vào nồi, nấu sôi. Vo phần chả cua thành từng viên nhỏ thả vào nước sôi, đến khi các viên chả cua nổi lên thì vớt ra. Cho khoai mỡ vào nồi, nấu thành cháo sệt.

Khi cháo sôi, cho chả cua vào nấu lẫn, sôi lại thì nhắc xuống. Cho ra tô nhỏ và rắc hành, ngò gai cắt nhuyễn lên trên.

Cháo cua biển rau bồ ngót

Nguyên liệu

  • 1 con cua biển nặng 500gr
  • Bột gạo hoặc cháo trắng
  • Rau bồ ngót
  • Nước mắm

Thực hiện

Cua rửa sạch, hấp chín trong vòng  15-20 phút. Gỡ phần thịt cua cho vào chén sạch.

Rau bồ ngót nhặt sạch, cắt nhỏ

Cháo trắng cho vào nồi nhỏ, đun sôi, cho một phần nạc cua, rau ngót cắt nhỏ vào nấu cùng cho rau chín thì tắt bếp.

Trước khi cho bé thưởng thức nêm nếm chút nước mắm ngon để làm tăng hương vị cho món cháo.

Cách nấu cháo cua biển rau mồng tơi

Nguyên liệu

  • 20gr rau mồng tơi
  • 50gr thịt nạc cua
  • 1 chén cháo trắng đặc
  • 5gr bơ lạt
  • Nước dùng gà
  • Gia vị

Thực hiện

Thịt nạc cua, xé tơi. Lưu ý nhớ kiểm tra kỹ những mảnh vụn vỏ cua thường hay dính lẫn trong thịt cua để tránh trẻ bị hóc.

Làm nóng chảo, cho bơ vào đun chảy. Cho thịt cua vào, đảo nhanh tay.

Cho cháo và ít nước dùng gà vào nồi, đảo đều rồi cho rau vào, nêm xíu nước mắm rồi đợi đến khi cháo sôi lại thì tắt bếp.

Cháo cua rau dền 

Nguyên liệu

  • 3 muỗng canh bột gạo hoặc cháo đặc
  • 50gr thịt cua đồng hoặc cua biển
  • 20gr rau dền băm nguyễn
  • Dầu ô-liu

Thực hiện

Đun sôi nước, cho thịt cua đã băm nguyễn và rau dền vào nấu chín.

Sau đó đổ hỗn hợp bột gạo (hoặc cháo đặc) vào khuấy đều, nêm ít muối và dầu ô-liu.

Múc cháo ra bát, cho bé ăn khi còn ấm.

Cách nấu cháo cua cho bé tùy vào từng độ tuổi ăn dặm mà có độ phức tạp khác nhau. Để hấp thụ hết dưỡng chất của thịt cua, ăn sau khi hấp chín là ngon nhất, mẹ có thể tập cho trẻ ăn theo phương pháp BLW để bé “nhâm nhi” cua biển tươi nhé!