Mẹ bầu biết gì về chứng khô miệng khi mang thai?

1007

Khô miệng khi mang thai

Tình trạng khô miệng khi mang thai là một trong những triệu chứng phổ biến của thai kỳ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là mẹ bầu bị khô miệng có gặp phải vấn đề sức khỏe gì hay không và biện pháp nào giúp khắc phục tốt nhất?

Quá trình mang thai là giai đoạn mà cơ thể trải qua nhiều biến đổi. Theo đó, mẹ bầu sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: ốm nghén, mệt mỏi, đau đầu, chuột rút, buồn nôn, đi tiểu nhiều, mất ngủ…

Bên cạnh các triệu chứng thai kỳ kể trên, một tình trạng khác cũng gây ra nhiều phiền toái nhưng ít được chú ý là khô miệng khi mang thai. Tình trạng này không những gây khó chịu, khô niêm mạc miệng mà còn khiến mẹ bầu giảm hay mất vị giác, dẫn đến những bất cập trong chuyện ăn uống.

Chứng khô miệng khi mang thai là gì?

hiện tượng khô miệng

Chúng ta cần nước bọt để làm sạch và giữ ẩm cho khoang miệng. Nước bọt cũng góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn và ngăn ngừa vi khuẩn, nấm tăng sinh tại đây. Do vậy, khi cơ thể không sản xuất đủ nước bọt, miệng sẽ trở nên khô và khó chịu.

Khô miệng khi mang thai (Xerostomia) là một trong nhiều triệu chứng của thai kỳ. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do sự thay đổi nội tiết tố. Các mẹ bầu thường gặp phải tình trạng này ở ba tháng đầu thai kỳ và diễn biến nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Khi bị khô miệng, bạn cũng có thể cảm thấy nghẹt mũi, đau đầu, môi khô nứt nẻ hay thậm chí miệng có vị kim loại…

Nhận biết các dấu hiệu của chứng khô miệng khi mang thai

Mẹ bầu khi bị khô miệng sẽ có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Cảm giác nóng rát trong miệng hoặc cổ họng
  • Sâu răng
  • Đau họng, cổ họng khô, khát nước
  • Khô bên trong mũi
  • Vị giác thay đổi hoặc giảm khả năng nhận biết mùi vị
  • Khàn giọng, thậm chí là gặp khó khăn khi giao tiếp
  • Xuất hiện cảm giác nóng rát
  • Ăn uống khó tiêu…

Ảnh hưởng của chứng khô miệng đối với mẹ bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên

biến chứng của khô miệng khi mang thai

Giai đoạn đầu mang thai hay trong ba tháng đầu tiên, bà bầu bị khô miệng sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau.

Có trường hợp mẹ bầu thức dậy vào buổi sáng phát hiện lưỡi có màu trắng hoặc trắng nhạt, khô. Các chuyên gia lý giải hiện tượng này là do sự mất nước thông qua việc tiểu tiện hoặc nôn mửa quá nhiều trong khoảng thời gian này.

Tình trạng khô miệng khi mang thai không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng mà còn khiến mẹ bầu khó chịu. Như đã đề cập, cơ thể chúng ta cần nước bọt để loại bỏ các mảng bám thức ăn và giảm nguy cơ vi khuẩn có hại sinh sôi trong khoang miệng. Khi bị thiếu nước bọt, bà bầu cũng dễ mắc phải các vấn đề về răng, nướu như: viêm nướu, mảng bám và sâu răng.

Tình  trạng khô miệng khi mang thai được xem là triệu chứng phổ biến của thai kỳ nhưng bạn không nên chủ quan với vấn đề này. Nguyên do là tình trạng này cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Truy tìm nguyên nhân khiến mẹ bầu bị khô miệng khi mang thai

Không riêng gì bạn mà nhiều phụ nữ mang thai khác cũng đã từng trải qua chứng khô miệng. Một vài nguyên nhân có thể dẫn đến vấn đề này bao gồm:

1. Phản ứng phụ của một số loại thuốc

Có thể bạn chưa biết, khô miệng là tác dụng phụ điển hình của nhiều loại thuốc hiện nay. Trong đó có thể kể đến vài nhóm thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn phế quản, thuốc lợi tiểu…

Dù rằng vấn đề này có thể gây khó chịu, nhưng tuyệt đối bạn không được tự ý ngừng thuốc trừ khi có sự tham vấn bác sĩ.

2. Mất nước

mất nước gây khô miệng khi mang thai

Sự thật ngay cả khi uống đủ 8 ly nước mỗi ngày, bạn vẫn có thể nhận thấy cơ thể mình bị mất nước. Lý do vì khi mang thai, cơ thể phụ nữ cần bổ sung nhiều nước hơn để giữ cho bản thân và thai nhi được khỏe mạnh.

Mất nước không chỉ dẫn đến tình trạng khô miệng khi mang thai mà còn khiến trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh hoặc kích thích chuyển dạ sớm. Vì thế, điều quan trọng là mẹ bầu cần tăng cường uống nước đầy đủ hằng ngày. Ngoài ra, bạn có thể uống một số loại trà thảo mộc, nước trái cây thay cho nước lọc nếu thấy lạt miệng.

3. Tăng lượng máu

Lưu lượng máu khi mang thai tăng lên rất nhiều. Thể tích máu có thể tăng đến 50% so với khi chưa mang thai. Khi lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc thận sẽ phải làm việc nhiều hơn, do vậy mẹ bầu sẽ tiểu tiện nhiều và dẫn đến mất nước gây khô miệng.

4. Tăng tỷ lệ trao đổi chất

chế độ ăn uống ảnh hưởng đến khô môi

Các hoạt động như tạo ra năng lượng, tiêu hóa thức ăn… sẽ tăng mạnh trong thai kỳ. Do vậy, cơ thể mẹ bầu phải sử dụng nhiều nước hơn. Trường hợp nếu không uống nước đầy đủ, chắc chắn rằng bạn sẽ mắc chứng khô miệng khi mang thai.

5. Bệnh tưa miệng

Bệnh lý này là do sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Loại nấm này tồn tại trên cơ thể người với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch cơ thể hoạt động không tốt, nấm sẽ phát triển mạnh mẽ hơn dẫn đến bệnh tưa miệng. Bệnh này có đặc điểm là gây cảm giác khô kéo dài trong khoang miệng.

Các biến chứng liên quan đến khô miệng khi mang thai

Trường hợp bị khô miệng khi mang thai, bạn không nên bỏ qua vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Một số biến chứng được liệt kê dưới đây cũng có liên quan đến khô miệng. Nếu nhận thấy bạn có bất kỳ tình trạng tương tự nào đang xảy ra như vậy, cần điều trị ngay lập tức.

1. Đái tháo đường thai kỳ

Bệnh này thường xuất hiện trong thai kỳ và giảm sau khi sinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, đái tháo đường thai kỳ có thể là thủ phạm gây ra khô miệng khi mang thai.

Điều này là do sự gia tăng lượng đường và giảm lượng nước trong cơ thể khiến mẹ bầu đi tiểu thường xuyên hơn. Ngoài ra, khi mắc bệnh, bà bầu có thêm các triệu chứng như khát nước, đau rát ở miệng, môi nứt nẻ…

2. Thiếu máu

Nếu khô miệng khi mang thai kèm theo dấu hiệu khác như: khô họng, vết nứt ở khóe môi, cảm giác nóng rát ở lưỡi… có thể bạn đã bị thiếu máu. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ngay.

3. Tăng huyết áp

Nếu bị khô miệng và đau đầu, có thể mẹ bầu đã bị tăng huyết áp đột ngột. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Mẹo đối phó với chứng khô miệng khi mang thai

vệ sinh răng miệng để tránh khô miệng khi mang thai

Chứng khô miệng này không có cách điều trị cụ thể. Điều quan trọng là cần chú ý đến các vấn đề tiềm ẩn gây khô miệng. Cách tốt nhất là bạn nên uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể không mất nước và giảm nguy cơ khô miệng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm một vài lời khuyên hữu ích sau đây:

  • Xông mặt bằng hơi nước, hít hà làn hơi nước khoảng 20 phút mỗi ngày sẽ giúp ngăn ngừa khô miệng từ bên trong.
  • Không há miệng khi ngủ. Việc thở bằng miệng có thể khiến vùng cổ họng khô, đặc biệt về đêm.
  • Tránh dùng rượu, thức uống có cồn, cà phê khi mang thai vì chúng có thể gây mất nước.
  • Tránh hút thuốc lá bởi nó làm xấu đi tình trạng khô miệng khi mang thai.
  • Nếu sống ở môi trường không khí quá khô, có thể dùng thêm máy tạo độ ẩm trong phòng làm việc, phòng ngủ.
  • Nhai kẹo cao su (loại không có đường) để kích thích tuyến nước bọt làm việc nhiều hơn.
  • Thực hành vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng và làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn. Nghe có vẻ lạ, nhưng biện pháp phòng ngừa này lại rất cần thiết để ngăn ngừa khô miệng và các vấn đề răng miệng.
  • Bổ sung thêm nước dừa tươi, vì loại nước này chứa nhiều vitamin và khoáng chất cùng các chất điện giải giúp cân bằng hệ đệm trong máu.
  • Thiết lập một chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh đầy đủ các loại rau xanh, ngũ cốc, các loại hạt và thịt. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu natri, bởi chúng có thể khiến bạn mất nước.

Khi nào cần tìm đến bác sĩ?

Tình trạng khô miệng khi mang thai không gây nguy hiểm và có thể được kiểm soát một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn gặp các biểu hiện khác kèm theo như: đau đầu, cảm giác nóng rát trong khoang miệng, cực kỳ mệt mỏi, khát nước cực độ, tiêu chảy, buồn nôn… hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.

Mẹ bầu bị mất nước nhiều gây ảnh hưởng đến thai nhi. Cụ thể, trẻ có thể gặp dị tật bẩm sinh, thiếu nước ối hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của bé về sau. Hơn nữa, tình trạng thiếu sản xuất nước bọt có thể gây ra vấn đề về răng nướu. Theo đó, tình trạng sâu răng hay viêm nướu làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh non lên gấp 2 – 3 lần.

Sự dao động nội tiết tố có thể khiến mẹ bầu gặp phải những vấn đề sức khỏe nhất định. Vấn đề khô miệng khi mang thai là dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong quá trình trao đổi chất và những thay đổi về mặt sinh lý. Tuy vậy, bạn không nên xem nhẹ và bỏ qua vì nó có thể liên quan đến nhiều biến chứng tiềm ẩn khác. Để an tâm hơn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về mọi tình trạng xuất hiện trong thai kỳ.

Nguồn:Marry Baby