Sữa mẹ được biết đến là nguồn cung cấp dinh dưỡng an toàn và tốt nhất cho trẻ sơ sinh, vậy tại sao lại xảy ra tình trạng dị ứng sữa mẹ ở trẻ? Dị ứng sữa mẹ không xảy ra phổ biến ở trẻ và chỉ có một tỷ lệ nhỏ các bé mắc phải. Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời ngay dưới đây.
Nguyên nhân bé bị dị ứng sữa mẹ
Các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đến trực tiếp từ những gì được lưu thông trong máu của bạn, có nghĩa là bất kỳ chất dinh dưỡng nào bạn hấp thụ từ thức ăn cũng đều được truyền sang cho bé thông qua nguồn sữa mẹ.
Trong khi đó, cơ địa của bé có thể không dung nạp được với một số thành phần nào đó mà bạn đã ăn và vì vậy sẽ gây ra hiện tượng dị ứng sữa mẹ.
Dấu hiệu bé bị dị ứng sữa mẹ
Các dấu hiệu dị ứng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bao gồm:
+ Bé có thể bị mắc bệnh chàm (hiện tượng da bị phát ban có vảy, đỏ da) và phân có máu (không có dấu hiệu bệnh khác).
+ Bé có thể bị nổi mề đay, thở khò khè, nghẹt mũi, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Phải làm gì khi bé bị dị ứng sữa mẹ?
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng ở trên thì ngay lập tức bạn cần phải:
Nhanh chóng đưa bé tới bác sĩ nhi khoa để thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân gây ra dị ứng cho bé. Nếu bé được chẩn đoán dị ứng thực phẩm, bạn phải thực hiện ngay chế độ ăn kiêng bằng cách:
+ Loại bỏ các chất gây dị ứng tiềm ẩn khỏi chế độ ăn của bạn từ 2 – 4 tuần.
+ Bạn vẫn tiếp tục cho con bú và theo dõi các triệu chứng của bé có giảm bớt không.
+ Nếu tình trạng dị ứng của bé giảm, bạn có thể tiếp tục cho con bú. Nhưng lưu ý, bạn cần theo dõi sự phát triển và cân nặng của bé.
Khi xác định được chính xác loại thực phẩm đã gây ra dị ứng cho bé thì bạn cần tạm ngưng ăn thực phẩm đó ít nhất 6 tháng hoặc cho đến khi bé được 9-12 tháng tuổi, vì ở độ tuổi này hầu hết trẻ em không còn bị dị ứng nữa.
Những loại thực phẩm nào dễ gây dị ứng cho trẻ sơ sinh?
+ Các thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ sơ sinh khi mẹ ăn vào phổ biến nhất là sữa bò, đậu nành, ngô và trứng. Trong một nghiên cứu khoảng 100 trẻ sơ sinh bị dị ứng thực phẩm từ mẹ thì có tới 65% trường hợp bị gây ra bởi sữa bò.
+ Đậu phộng, hạt cây, lúa mì và sô cô la cũng là thủ phạm gây dị ứng thường xuyên.
+ Các thực phẩm có mùi gây khó chịu cho mẹ cũng sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa cho bé.
+ Các thực phẩm như hành tây, tỏi và rau họ cải khi bạn ăn vào có thể gây đau bụng cho bé.
+ Một số nghiên cứu nhỏ nhận thấy một số loại thực phẩm khi mẹ ăn vào đã làm cho bé quấy khóc hơn bình thường như thức ăn có gia vị cay hoặc thực phẩm có vị cay như ớt. Tuy nhiên, tình trạng dị ứng do các thực phẩm này gây ra ít nghiêm trọng và thường chỉ kéo dài dưới 24 giờ.
Lưu ý khi cho con bú
+ Bạn cần để ý đến trạng thái của bé mỗi khi bạn ăn một món mới. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện ra rằng loại thức ăn đó có gây khó chịu cho bé hay không.
+ Dù bé bị dị ứng sữa nhưng bạn không nên ngưng cho bé bú, thay vào đó bạn tìm cách thay đổi chế độ ăn uống để bé không bị dị ứng nữa.
+ Một số nghiên cứu chỉ ra rằng cho con bú hoàn toàn trong ít nhất 4 tháng có thể giúp giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của dị ứng thực phẩm cho bé ngay cả trong các gia đình có tiền sử mắc bệnh.
+ Tình trạng dị ứng sữa mẹ của bé có thể tự khỏi khi bé bước vào độ tuổi từ 9 tháng trở đi mà không cần điều trị y tế nếu không bị các biến chứng nặng.
Dị ứng sữa mẹ không quá nghiêm trọng nhưng cũng gây ra tình trạng mẩn ngứa trên da hay rối loạn tiêu hóa cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, bạn cần hết sức kỹ càng trong việc ăn uống và luôn để ý đến bé mỗi khi bạn ăn một món mới.
Nguồn:Marry BaBy