Trẻ sơ sinh bị ho không phải là một dấu hiệu sức khỏe đáng báo động đâu mẹ ạ. Tuy nhiên, nếu em bé ho kéo dài sẽ bị mệt mỏi, sụt cân và dễ mắc phải các biến chứng đáng lo ngại như viêm phổi chẳng hạn. Khi bé bị ho, mẹ có thể xác định nguyên nhân, chẩn đoán tình trạng ho của bé và chữa ho cho con theo các gợi ý từ Metaodo nhé.
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị ho
Ho là một phản xạ tự nhiên do chất kích ứng trong hệ hô hấp của bé gây ra. Chất kích ứng có thể là bụi, phấn hoa hoặc khói, nhưng cũng có thể là do bé bị viêm thanh quản, khí quản, phế quản hoặc phế nang…
Mẹ có thể hiểu rằng, ho là một biện pháp phòng thủ tự nhiên của cơ thể bé để làm thông đường thở, nhưng đôi khi ho cũng là một dấu hiệu của bệnh tật.
Trẻ sơ sinh bị ho do cảm lạnh hoặc cảm cúm
Bé bị ho đa phần là do bị cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thì không có thuốc để trị các virus cảm lạnh và cảm cúm nhanh chóng đâu mẹ ạ. Kể cả việc tiêm vắc-xin phòng chống bệnh cảm cúm cũng không được, vì vắc-xin chỉ dùng cho bé trên 6 tháng tuổi.
Giải pháp phòng chữa ho cho bé do bị cảm, cúm:
+ Mẹ nên tăng cường sức đề kháng cho con bằng cách bổ sung nhiều dưỡng chất vào sữa mẹ.
+ Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ cho bé, ít nhất 3 lần/tuần. Thy thoảng phải mở cửa phòng cho thông thoáng, tốt nhất phòng ngủ nên có cửa sổ để đón nắng mặt trời vào mỗi sáng. Vào mùa xuân ở miền Bắc thời tiết nồm, ẩm, mẹ nên dùng máy lọc không khí để làm sạch các mầm nấm mốc có thể làm bé bị dị ứng.
+ Cách ly bé với người bệnh
+ Luôn giữ ấm và vệ sinh sạch sẽ cho bé hàng ngày.
Trẻ sơ sinh bị ho do dị ứng
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và ho, rất nhiều trường hợp có nguyên nhân từ dị ứng. Nếu mẹ nuôi thú cưng, nhiều khả năng lông hoặc vảy da động vật đã làm bé bị dị ứng. Hoặc cũng có thể bé bị dị ứng với một loại hoa nào đó quanh nhà, nhất là vào mùa xuân hè.
Giải pháp phòng chữa ho cho bé do bị ứng:
+ Mẹ cần quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ, thay chăn drap giường hàng ngày, hoặc ít nhất 3 lần/tuần.
+ Không khí trong phòng ngủ của bé và trong nhà nên được làm sạch bằng máy lọc không khí hoặc các loại cây lọc không khí.
+ Cách ly bé với vật nuôi.
+ Chặt bỏ các loại hoa trong vườn mà mẹ nghĩ có khả năng gây dị ứng cho bé.
+ Cách ly bé với không khí bụi bặm bên ngoài.
+ Khi đưa bé ra ngoài mẹ nên dùng mạng che phủ cho bé khỏi gió lạnh và bụi bẩn.
Trẻ sơ sinh bị ho có đờm và sổ mũi do viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản rất phổ biến ở các bé sống ở vùng lạnh. Ước tính có khoảng 6% trẻ bị viêm phế quản hàng năm trên thế giới.
Viêm phế quản là một bệnh nhiễm virus, gây ho, nghẹt mũi, đau họng cho trẻ và cũng không thể điều trị bằng kháng sinh.
Giải pháp phòng chữa ho cho bé do viêm phế quản:
+ Nếu bé mới bị viêm phế quản, mẹ có thể điều trị tại nhà bằng cách:
- Vệ sinh lưỡi, miệng cho con hàng ngày
- Mẹ có thể áp dụng các bài thuốc dân gian chữa ho cho trẻ sơ sinh ở đây.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt, mũi cho bé
+ Nếu bé ho lâu ngày, viêm phổi nặng, mẹ phải đưa con đến bệnh viện ngay để thăm khám và điều trị.
Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng phế nang và túi khí nhỏ trong phổi của bé bị viêm do bị nhiễm trùng, vi khuẩn hoặc virus.
Giải pháp phòng chữa ho cho bé do viêm phổi:
+ Mẹ có thể cho con tiêm vắc-xin PCV13 khi bé được 2 tháng tuổi để phòng ngừa viêm phổi.
+ Tăng cường chất dinh dưỡng cho sữa mẹ giúp hệ miễn dịch của con khỏe mạnh, chống lại bệnh tật.
+ Giữ ấm cho con và cách ly với không khí ô nhiễm bên ngoài.
+ Khi con bị viêm phổi, hãy nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện để điều trị sớm.
Hen suyễn
Hen suyễn là bệnh mãn tính do đường dẫn khí của phổi bị viêm. Theo dữ liệu từ CDC, có 4,7% trẻ em dưới 5 tuổi bị hen suyễn năm 2015.
Hen suyễn thường gây ra những cơn ho ngắn cho bé khi bé hít phải bụi, phấn hoa, vẩy, da, lông động vật, khói, ô nhiễm không khí hoặc do tập thể dục vất vả.
Hen suyễn thường nặng hơn vào ban đêm khiến bé bị ho nhiều, mất ngủ, quấy khóc.
Giải pháp phòng chữa ho cho bé do hen suyễn:
+ Vì hen suyễn là bệnh mãn tính nên mẹ không thể tự chữa trị ở nhà cho con hoặc cho con uống thuốc hen suyễn vì bé còn quá nhỏ. Giải pháp duy nhất là mẹ nên đưa con tới bệnh viện để điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
+ Ngoài ra, mẹ cũng nên thường xuyên dọn dẹp phòng ngủ, sân vườn và tuyệt đối không nuôi động vật trong nhà để tránh làm bệnh hen suyễn của bé ngày càng nặng hơn.
Viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản là một bệnh nhiễm trùng khí quản, trẻ thường phát ra tiếng ho giống như tiếng ngáy.
Viêm thanh khí phế quản do virus gây ra, thường tồn tại trong thời gian ngắn và tự hết sau 4-5 ngày.
Giải pháp phòng chữa ho do viêm thanh khí phế quản:
+ Mặc dù bệnh thường tự khỏi sau 4-5 ngày nhưng với trẻ sơ sinh, các mẹ vẫn nên đề phòng chữa sớm cho con. Khi thấy bé có dấu hiệu thở khò khè, mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để thăm khám và điều trị sớm.
Bệnh ho gà
Ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và rất dễ lây lan.
Các triệu chứng ho gà ở trẻ sơ sinh bao gồm: Các cơn ho dữ dội gây đau ngực, nôn, kiệt sức.
Giải pháp phòng chữa ho cho bé do bệnh go gà:
+ Thuốc kháng sinh có hiệu quả trong điều trị ho gà và thường chữa khỏi bệnh trong khoảng một tuần. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh không nên dùng thuốc kháng sinh, thay vào đó mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để thăm khám và điều trị.
+ Các bé sơ sinh từ 2 tháng tuổi trở lên có thể tiêm vắc-xin ho gà để phòng bệnh.
Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)
Virus hợp bào hô hấp (RSV) lây nhiễm qua đường hô hấp. Trẻ dưới 2 tuổi rất dễ bị nhiễm loại virus này nhưng không nguy hiểm vì nó chỉ gây ra các triệu chứng thông thường như cảm lạnh. Tuy nhiên nếu thấy bé xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như thở khò khè hoặc khó thở, mẹ nên đưa bé tới bệnh viện để khám và điều trị.
Trẻ bị nhiễm virus RSV bệnh thường giảm trong khoảng từ 2 – 8 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài đến 3 tuần. Những tháng mùa đông và đầu mùa xuân bé dễ mắc bệnh RSV nhất.
Giải pháp phòng chữa ho cho bé do nhiễm virus RSV:
+ Bé có thể được bác sĩ điều trị bằng cách hít thuốc chống virus từ máy thở. Máy thở chuyển dung dịch lỏng thành màn sương để bé hít bằng mũi.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản có thể làm trẻ sơ sinh bị ho nhẹ do thức ăn từ dạ dày bé bị đẩy ngược lên cổ.
Mẹ hãy để ý đến những cơn ho của con, nếu thấy bé hay bị ho vào lúc sắp bú hoặc vừa bú xong, nhiều khả năng con bị trào ngược dạ dày thực quản.
Phương pháp điều trị ho do trào ngược dạ dày thực quản:
+ Mẹ cần nâng đầu giường, cũi hoặc nôi của bé lên cao một chút.
+ Bế bé ở tư thế đứng thẳng trong vòng ít nhất 30 phút sau khi con bú.
+ Thay vì cho bé bú no các cữ như bình thường, mẹ nên cho bé bú thành nhiều cữ nhỏ hơn.
2. Các loại ho thường gặp ở trẻ sơ sinh
Các bé sơ sinh có thể gặp phải nhiều kiểu ho khác nhau, dựa vào mỗi kiểu ho mẹ có thể dự đoán được loại bệnh mà bé đang mắc phải.
Trẻ sơ sinh bị ho khan
Ho khan làm cho cổ họng bé bị ngứa khi thở hoặc nuốt, có thể đi kèm với nghẹt mũi, đau họng hoặc sốt nhẹ. Ho khan không tiết ra chất nhầy, thường có nguyên nhân từ cảm lạnh, cúm hoặc dị ứng.
Trẻ sơ sinh bị ho sổ mũi
Khi bé ho thường có đờm, chảy nước mũi và nước mắt, có thể phát ra âm thanh rè rè và hay bú vặt. Nếu bé có dấu hiệu này, có thể bé đang bị viêm phế quản hoặc viêm phổi.
Trẻ sơ sinh bị ho, thở khò khè
Khi ho, bé phát ra tiếng thở khò khè, mệt nhọc có thể bé đang bị cảm lạnh, viêm phế quản hoặc viêm phổi. Nếu bé ho kéo dài, mệt li bì, bỏ bú, mẹ phải đưa bé đến bệnh viện để chữa trị.
Trẻ sơ sinh bị ho ngắn
Khi bé phát ra tiếng ho ngắn, nghe giống như tiếng sủa của một con hải cẩu hoặc con chó con, có thể bé đã bị viêm thanh khí quản.
Trẻ sơ sinh bị ho gà
Bé thường ho kéo dài thành từng cơn dữ dội nghe như tiếng rít, có thể bé đã bị mắc bệnh ho gà.
Trẻ sơ sinh thở ho rít
Bé thở khó và thường phát ra tiếng ho như tiếng rít do bị sưng đường hô hấp, bệnh sùi mào gà, hoặc do có vật thể bị mắc kẹt trong đường thở.
Trẻ sơ sinh ho đêm
Nếu bé hay ho nhiều vào ban đêm, có thể do bị tắc nghẽn dẫn lưu từ mũi và xoang gây ra kích thích khi bé nằm ngủ.
3. Cách chữa ho cho trẻ sơ sinh không dùng thuốc
Làm thế nào để giúp bé thoát khỏi những cơn ho khó chịu kia?
Mẹ không được cho con uống bất kỳ loại thuốc nào không được bác sĩ chuyên khoa chỉ định đâu nhé. Các loại thuốc ho và thuốc cảm lạnh OTC (thuốc không kê đơn) không an toàn cho trẻ dưới 2 tuổi, kể cả với các bé đã lên 3 tuổi, mẹ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu muốn cho con uống thuốc.
Cách tốt nhất để điều trị ho cho bé là giải quyết các triệu chứng và làm cho bé cảm thấy dễ chịu theo các cách sau:
+ Massage ngực: Mẹ có thể nhẹ nhàng massage ngực giúp bé dễ chịu và ngủ ngon.
+ Nước ấm: Mẹ cho bé uống nước ấm, có thể pha với mật ong để làm dịu cơn ho và bổ sung nước cho bé.
+ Vệ sinh: Mẹ nên vệ sinh tai, mũi, họng, miệng cho con hàng ngày để ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh.
+ Nước muối nhỏ mũi: Mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi làm sạch xoang, giúp bé thở dễ hơn.
+ Một thìa nhỏ mật ong: Mật có chất kháng sinh tự nhiên giúp làm dịu cổ họng, giảm đau và giảm ho cho bé.
+ Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm làm ẩm không khí, tốt cho bé vào mùa đông khô lạnh. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
+ Giữ không khí trong phòng mát mẻ: Không khí sạch sẽ, mát mẻ sẽ làm giảm kích ứng cho hệ hô hấp của bé.
+ Điều chỉnh tư thế ngủ: Mẹ có thể nâng đầu giường, cũi hoặc nôi lên một chút giúp bé dễ thở.
+ Bồi bổ cho bé: Bồi bổ cho bé làm tăng sức đề kháng chống lại các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
4. Trẻ sơ sinh bị ho như thế nào thì nên đưa tới bệnh viện?
+ Ho và sốt: Bé dưới 3 tháng tuổi bị ho và sốt từ 38 độ C trở lên. Bé 6 tháng – 3 tuổi ho và sốt từ 38,3 độ C.
+ Ho và khó thở: Bé ho và khó thở.
+ Thở nhanh và khó thở: Hơi thở của bé cực kỳ nhanh và nông, hoặc thở thất thường bao gồm những khoảng dừng dài giữa các hơi thở.
+ Môi đổi màu: Bé ho, môi chuyển màu xanh hoặc tím.
+ Đờm đổi màu: Đờm của bé có màu đen hoặc đờm có vệt máu.
+ Âm thanh tiếng rít: Bé phát ra âm thanh rít lên trong cơn ho dữ dội.
+ Ho kéo dài: Bé bị ho hoặc cảm lạnh kéo dài hơn một tuần.
Hầu hết trẻ sơ sinh bị ho vào một lúc nào đó, dù ho do các chứng bệnh thông thường hay do các bệnh nghiêm trọng cũng đều khiến các mẹ xót ruột và lo lắng. Tuy nhiên, mẹ nên bình tĩnh tìm cách xoa dịu cơn ho của con tại nhà trước, nếu thấy bé ho ngày càng nặng, mẹ hãy đưa con đến bệnh viện ngay. Cuối cùng, mẹ nên ghi nhớ không bao giờ được tự cho trẻ sơ sinh uống thuốc ho nhé!
Nguồn:Marry BaBy