Không một bà mẹ nào muốn con mình bị bệnh cả. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bất khả kháng. Trong suốt một năm đầu tiên, một số bệnh xuất hiện quá thường xuyên đến nỗi gần như trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của bé. May mắn, bạn có thể làm được nhiều điều để giảm bớt sự khó chịu của bé và phòng ngừa bệnh đấy!
1/ Táo bón
Khoảng 30% trẻ em tại một số giai đoạn thường bị ảnh hưởng bởi táo bón. Tần số bé đi vệ sinh tùy thuộc vào thức ăn, mức độ năng động và tốc độ tiêu hóa thức ăn của bé. Mỗi bé sẽ có một chu kỳ của riêng mình. Khi bé con nhà bạn có vài dấu hiệu sau, có thể bé đang bị táo bón đấy:
– Đã hơn 3 ngày, bé không “đi” lần nào và tỏ ra khó khăn khi rặn. Ngoài ra, “sản phẩm” của bé bị khô, cứng.
– Nếu bạn thấy phân lỏng trong tã, đừng cho rằng bé bị tiêu chảy. Rất có thể đó là một dấu hiệu của táo bón. Phân lỏng có thể chảy qua chỗ phân cứng trong ruột rồi chảy vào tã.
2/ Ho và cảm
Trung bình, một đứa trẻ thường bị cảm từ 2 đến 4 lần một năm. Con số này sẽ tăng gấp 3-4 lần khi bé đi trẻ. Có đến hàng trăm virus gây ra bệnh cảm. Vì vậy, với hệ miễn dịch còn non nớt của mình, bé không thể chống chọi lại nổi. Hơn nữa, do thường xuyên sử dụng tay và miệng để khám phá mọi thứ làm cho virus gây cảm có nhiều cơ hội “xâm nhập” vào hệ thống miễn dịch của bé.
Dấu hiệu đặc trưng của cảm lạnh bao gồm sổ mũi (với nước mũi trong, hơi vàng hoặc hơi xanh), hắt hơi và có thể cả ho hay sốt nhẹ. Một số dấu hiệu thường gặp khác có thể kể đến như:
• Hành vi: Một đứa trẻ bị cảm lạnh vẫn tiếp tục chơi đùa và ăn uống gần như bình thường. Nếu bị bệnh gì đó nguy hiểm, bé sẽ tỏ ra mệt mỏi và cáu kỉnh.
• Thời gian phát bệnh: Cảm lạnh xâm nhập, trở nên nghiêm trọng rồi hết hẳn trong khoảng 10 ngày. Các bệnh như cúm thường phát bệnh nhanh chóng trong khi dị ứng thường kéo dài và không gây sốt.
3/ Hăm tã
Hăm tã là hiện tượng khó tránh đối với các trẻ sơ sinh. Đây không phải là một dấu hiệu cho thấy bạn là người cẩu thả. Bất kỳ đứa bé nào có làn da nhạy cảm đều có thể bị hăm dù mẹ có siêng năng thay tã đi chăng nữa. Tuy nhiên, bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu được thay tã bẩn sớm.
Ngay cả loại tã thấm hút nhất trên thị trường cũng không thể hút hết nước tiểu ra khỏi làn da mỏng manh của bé. Nước tiểu trộn với vi khuẩn trong chất thải của bé sẽ chuyển thành dạng ammonia làm khó chịu cho da. Đặc biệt, khi bé bắt đầu ăn một loại thức ăn mới, thành phần “sản phẩm” và thời gian “đi ngoài” cũng thay đổi và gây ra hăm tã.
4/ Tiêu chảy
Tiêu chảy rất dễ nhận biết, chỉ cần nhìn sơ mẹ có thể nhận ra ngay. Không như phân lỏng bình thường, tiêu chảy diễn ra thường xuyên và lỏng hơn. Đôi khi cũng có mùi rất hôi. Những bé bú sữa mẹ thường có phân mềm nhưng vẫn mang hình dạng đặc trưng. Phân có mùi như bơ sữa hoặc không có mùi. Tiêu chảy có thể kéo dài vài ngày và thường đi kèm với những cơn đau quặn.
Tiêu chảy cấp là chứng bệnh thường thấy ở trẻ em. Cứ 6 bé thì phải có 1 bé phải “thăm” bác sĩ vì bệnh này. Tiêu chảy do nhiễm virus có đi kèm các triệu chứng như nôn mửa, đau bụng, sốt, ớn lạnh, và đau nhức. Nhiễm khuẩn có thể đi kèm tình trạng đau quặn, máu trong phân, sốt và cả nôn mửa.
Đôi khi dị ứng thức ăn hoặc phản ứng kháng sinh cũng có thể làm bé bị tiêu chảy. Uống nhiều nước ép cũng là một nguyên nhân phổ biến. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên cho bé dưới 6 tháng tuổi uống nước ép trái cây và cũng không cho trẻ uống quá 120ml một ngày.
5/ Viêm tai
Đứng thứ hai sau cảm lạnh, viêm tai cũng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em. Có khoảng 90% trẻ em dưới 3 tuổi bị viêm tai. Thậm chí có bé còn bị tái nhiễm nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu là do cấu tạo cơ thể của bé. Không gian nhỏ sau mỗi màng nhĩ được nối với phần sau của cổ họng bởi một ống nhỏ gọi là ống Eustachian. Tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến chức năng của ống Eustachian hoặc chặn quá trình thoát dịch từ tai giữa đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Điều này lại thường xảy ra khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Trẻ sơ sinh có ống Eustachian nằm ngang nên thường dễ bị viêm tai hơn. Khi đầu bé lớn lên, ống này sẽ có độ nghiêng khiến cho sự thông khí cho tai giữa dễ dàng hơn.
Viêm tai dễ xuất hiện hơn nếu bé có tiếp xúc với khói thuốc, đi nhà trẻ hoặc bú bình khi bé đang nằm. Sử dụng núm vú giả kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm tai. Thậm chí, thỉnh thoảng viêm tai cũng đột nhiên xuất hiện mà không có lí do cụ thể.
Các dấu hiệu thường gặp của viêm tai:
• Thay đổi hành vi đột ngột (khóc và khó chịu).
• Bé thường kéo hoặc xoa tai (đối với những bé lớn).
• Sốt.
• Cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi, đôi khi bị tiêu chảy.
6/ Nôn mửa
Hầu hết các bé không tỏ ra khó chịu khi “phun” ra một phần của bữa ăn gần nhất. Sẽ không có gì đáng ngại trừ khi tình trạng này lặp lại nhiều lần. Vấn đề cũng sẽ nghiêm trọng hơn nếu bé nôn nhiều, mạnh hoặc tỏ vẻ khó chịu.
Viêm dạ dày – ruột do virus, viêm đường tiết niệu, viêm tai… hoặc vấn đề với việc ăn quá nhiều có thể là lý do làm bé bị nôn mửa. Một số khả năng khác bao gồm dị ứng, ngộ độc, ho hoặc khóc quá nhiều. Một đứa trẻ cáu kỉnh, bực bội có thể tự làm mình nôn theo đúng nghĩa đen.
Không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng xác định nguyên nhân nên hầu hết các trường hợp cần phải xét đến các triệu chứng khác nữa. Như nôn mửa do nhiễm virus thường đi kèm với tiêu chảy hoặc sốt.
Nguồn:Marry BaBy