Bật mí cách làm siro ho cho bé tại nhà đơn giản hơn bao giờ hết

1001

làm siro ho cho bé

Trong thời điểm giao mùa như hiện nay, trẻ rất dễ mắc phải chứng ho, cảm. Những cơn ho kéo dài thường khiến trẻ trở nên cáu gắt và khó chịu. Hơn nữa, tình trạng này còn khiến không ít các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn giải pháp tự làm siro ho cho bé tại nhà để “đánh bật” những cơ ho. Hãy cùng tham khảo ngay nhé!

Mặc dù ho là một triệu chứng khá thường gặp ở trẻ, thế nhưng việc điều trị bằng cách dùng thuốc không được các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo. Bởi lẽ, một số loại thuốc không kê đơn hiện nay dùng để trị ho đã được chứng minh là có thể không an toàn với trẻ.

Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể tự làm siro ho cho bé tại nhà. Lý do vì chúng không những an toàn mà còn vô cùng dễ thực hiện. Bài viết sau đây, Marry Baby sẽ hướng dẫn bạn những công thức làm ra các loại siro ho khác nhau để “đánh bật” cơn ho cho bé yêu thoải mái đón Tết.

1. Siro ho cho bé từ mật ong và chanh

siro ho cho bé chanh mật ong

Mật ong và chanh là một sự kết hợp không thể nào tốt hơn để giúp trẻ “thoát” khỏi sự làm phiền của những cơn ho dai dẳng.

Mật ong không chỉ có tác dụng kháng khuẩn rất tốt mà còn sở hữu một lượng dồi dào các khoáng chất cần thiết như canxi, sắt, magie và kali. Bên cạnh đó, chanh vốn rất nổi tiếng vì giàu vitamin C, có thể nói đây là dưỡng chất rất có lợi để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trẻ.

Vì vậy mà tổng thể cả hai thành phần này nếu có mặt trong siro sẽ rất hiệu quả trong việc giảm cơn ho và giúp trẻ mau chóng phục hồi hơn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Mật ong: khoảng 1/4 cốc
  • Nước cốt chanh: 1/2 đến 1 thìa súp
  • Nước ấm: 2 – 3 thìa súp

Cách thực hiện

  • Đầu tiên, bạn thêm nước cốt chanh đã chuẩn bị vào mật ong, khuấy đều.
  • Tiếp sau đó, bạn thêm nước ấm vào hỗn hợp trên để có được một dung dịch có độ đặc vừa phải. Lưu ý là bạn nên canh chỉnh lượng nước để siro đạt được độ đặc như mong muốn.
  • Sau khi hoàn thành, bạn cho siro vào trong một lọ thủy tinh sạch đã được tiệt trùng để dùng dần.
  • Đối với loại siro này, bạn có thể cho trẻ dùng từ 3 đến 4 lần mỗi ngày ngay khi thấy trẻ bắt đầu có dấu hiệu của chứng cảm lạnh thông thường. Mỗi lần dùng nên cho trẻ ăn chừng 1 thìa súp là được.

2. Siro ho từ sữa, mật ong và bột nghệ

siro ho cho bé sữa mật ong

Một phương thuốc tự nhiên khác được cho là có tác dụng với cơn ho của trẻ là sữa và mật ong. Ngoài những tác dụng vừa nêu trên của mật ong thì nguyên liệu này còn có đặc tính làm dịu. Khi kết hợp cùng với những dưỡng chất trong sữa, loại siro này đem lại tác dụng thực sự tốt trong vấn đề trị ho ở trẻ.

Loại siro ho cho bé này không những có công hiệu với cơn ho mà còn hỗ trợ giảm nhẹ tình trạng chảy nước mũi cũng thường thấy trong chứng cảm lạnh.

Một điều thú vị là cả hai thành phần này thường có sẵn tại nhà và bạn có thể tiến hành pha chế bất kỳ lúc nào ngay khi đã phát hiện ra trẻ chớm có dấu hiệu sẽ bị ho.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Sữa ấm: 1 cốc
  • Mật ong: 1 thìa súp
  • Bột nghệ: 1/8 thìa cà phê hoặc 1 nhúm nhỏ

Cách thực hiện

  • Cho sữa vào một chiếc chảo sâu lòng hay nồi nhỏ và đun cho đến khi sôi
  • Sau khi sữa sôi, tắt bếp và nhắc chảo ra ngoài
  • Chờ cho đến khi sữa nguội bớt (không để nguội hẳn), bạn thêm mật ong và bột nghệ vào trộn đều
  • Bạn có thể cho trẻ dùng loại siro trị ho này bất cứ lúc nào trong ngày nếu thấy cơn ho phát nặng và kéo dài.

3. Siro ho mật ong và hạt tiểu hồi

hạt tiểu hồi

Tiểu hồi từ lâu đã được ứng dụng nhiều trong đời sống để chữa bệnh. Cũng giống như cam thảo, tiểu hồi mang một hương vị đặc trưng, nhờ vậy mà người ta cũng thường dùng nó như một gia vị, nhất là trong việc tạo thêm hương vị cho món tráng miệng.

Ngày nay, người ta thường dùng tiểu hồi để chữa chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm phế quản, hen suyễn. Thậm chí nó cũng có ích trong việc chống lại cơn ho dai dẳng ở trẻ. Hạt tiểu hồi khi phối hợp cùng mật ong sẽ cho ra tác dụng hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng ho và cảm lạnh ở trẻ em.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Tiểu hồi: khoảng 1 thìa súp
  • Mật ong: 2 cốc
  • Nước: 2 cốc

Cách thực hiện

  • Hạt tiểu hồi đem nghiền nát thật kỹ.
  • Tiếp đến, bạn chuẩn bị một chiếc chảo sâu lòng và đun sôi phần nước ở trên trong chảo.
  • Khi nước bắt đầu sôi, bạn thêm hạt tiểu hồi đã nghiền vào và đun cho đến khi nước cạn đi một nửa.
  • Sau khi nước cạn, bạn tắt bếp, dùng một miếng vải sạch hoặc rây lọc bỏ bã, thêm mật ong vào.
  • Chờ cho dung dịch nguội đi, bạn đổ vào một chiếc lọ thủy tinh đã tiệt trùng.
  • Bạn có thể cho con uống loại siro ho cho bé này khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày. Mỗi lần dùng nên cho trẻ ăn chừng 1 thìa súp là được.

4. Siro ho từ mật ong, gừng và nước chanh

siro ho cho bé mật ong và gừng

Gừng cũng được sử dụng rất nhiều để phòng và chữa bệnh bởi loại củ gia vị này sở hữu đặc tính chống viêm tự nhiên. Bên cạnh đó, mật ong lại có tính kháng khuẩn tốt. Do đó, sự kết hợp của gừng và mật ong mang đến tác dụng hiệu quả để giảm ho cho trẻ. Những nguyên liệu kể trên vô cùng dễ tìm. Do đó, việc pha chế siro ho cho bé cực dễ, bởi lẽ mọi nguyên liệu chỉ nằm ngay trong gian bếp nhà bạn mà thôi!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Mật ong: khoảng 1 cốc
  • Gừng: chuẩn bị 1/4 chén gừng đã cắt lát mỏng và dài hoặc 1/2 chén gừng nạo.
  • Nước chanh tươi: 1/2 cốc
  • Nước: 1 cốc

Cách thực hiện

  • Cho nước, nước chanh tươi và gừng đã chuẩn bị ở trên vào một chiếc nồi nhỏ hoặc chảo sâu lòng
  • Đun sôi hỗn hợp trên sau đó hạ lửa nhỏ, tiếp tục đun thêm khoảng 5 – 6 phút
  • Tắt bếp, chờ cho đến khi hỗn hợp này nguội
  • Sau khi nguội hẳn, bạn lọc bỏ xác gừng
  • Tiếp đến, thêm mật ong vào hỗn hợp vừa lọc và khuấy đều
  • Khi đã hoàn tất, bạn cho thành phẩm thu được vào trong một lọ thủy tinh sạch và trữ trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần
  • Loại siro này có thể dùng khoảng từ 3 – 4 lần mỗi ngày, tùy thuộc vào mức độ cơn ho của trẻ. Lượng dùng cho mỗi lần dùng khoảng chừng 1 thìa súp.

5. Làm siro từ bạc hà và gừng

bạc hà và gừng

Có thể nói đây là một loại siro ho cho bé tuyệt vời mà bạn có thể làm trong trường hợp trẻ bị dị ứng với thành phần mật ong. Bởi lẽ, một số trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, được khuyến cáo là không được dùng mật ong để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc không mong muốn.

Mặt khác, hiện nay, các loại thảo dược như bạc hà và gừng lại rất được ưa chuộng trong việc dùng trị ho bởi tính ôn hòa, ít tác dụng phụ.

Xét riêng từng nguyên liệu thì bạc hà với thành phần là menthol đem lại tác dụng kháng khuẩn hiệu quả. Do đó, nó được ứng dụng rộng rãi để điều trị các chứng như nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi. Ngoài ra, bạc hà còn có công dụng làm kích thích tiêu hóa, chữa chứng kém ăn uống ở trẻ nhỏ. Gừng từ lâu đã trở thành vị thuốc hữu hiệu trong chữa trị các triệu chứng ho thông thường do thời tiết.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Lá bạc hà tươi xắt nhỏ: khoảng 1 thìa súp
  • Gừng băm nhỏ hoặc xay nhuyễn: 2 thìa súp
  • Nước tinh khiết: 4 cốc

Cách thực hiện

  • Đổ phần nước đã chuẩn bị vào trong chảo sâu lòng
  • Tiếp đến thêm gừng và lá bạc hà vào trong chảo. Đun sôi hỗn hợp rồi hạ nhỏ lửa tiếp tiếp tục đun trong khoảng từ 5 đến 6 phút kể từ lúc sôi
  • Khi thấy nước cạn dần, bạn tắt bếp và nhắc chảo ra ngoài
  • Để nguội, lọc dung dịch trên để loại bỏ bã, đổ vào bình thủy tinh rồi cho vào tủ lạnh để cất trữ
  • Lưu ý là bạn cần đảm bảo siro đã đạt đến nhiệt độ phòng trước khi cho trẻ dùng. Liều lượng khuyến cáo rơi vào khoảng từ 2 đến 3 lần mỗi ngày, mỗi lần dùng 1 thìa cà phê.

6. Siro ho từ hành tây, tỏi và mật ong

trẻ dùng siro ho

Tỏi có tác dụng chữa cảm cúm rất hiệu quả. Sự kết hợp của tỏi cùng hành tây và mật ong sẽ đem đến sự cộng hưởng làm cho tác dụng kháng khuẩn trở nên mạnh mẽ hơn. Siro ho cho bé này cũng khá dễ thực hiện, bạn có thể làm ngay khi phát hiện thấy con đang có dấu hiệu cảm cúm.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Tỏi: 1 tép
  • Hành tây: 1 củ
  • Mật ong: khoảng 1 chén
  • Kinh giới cay (Oregano), húng tây và lá cây xô thơm mỗi loại một nhúm nhỏ
  • Nước tinh khiết: 1 cốc

Cách thực hiện

  • Tỏi nghiền, hành tây băm nhỏ
  • Cho mật ong và nước vào một cái bình rồi khuấy đều
  • Tiếp theo, bạn cho tỏi và hành tây, kinh giới cay, lá xô thơm và húng tây vào rồi khuấy, trộn đều tất cả các thành phần trên
  • Bạn đậy kín bình và để qua đêm, sau đó lọc bỏ bã và cho bình nước vào tủ lạnh
  • Bạn có thể cho trẻ dùng một thìa cà phê siro này khi trẻ bắt đầu ho.

Nhìn chung, tất cả những siro ho cho bé kể trên đều rất hiệu quả trong việc trị ho ở trẻ em. Tuy vậy, nếu nhận thấy khi sử dụng mà tình trạng trên vẫn không cải thiện hoặc thậm chí còn tệ hơn thì tốt nhất bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Bởi lẽ, một vài trường hợp trẻ có thể bị dị ứng với một số thành phần nào đấy trong siro. Vì thế, đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tự làm bất kỳ loại siro ho nào cho con mình bạn nhé!

Nguồn:Marry Baby