Cho bé ăn dặm: Bao nhiêu là đủ?

801

Vứt bỏ nỗi lo cho con bú bao nhiêu là đủ, những mẹ có con trong giai đoạn ăn dặm lại tiếp tục xoay vòng với băn khoăn liệu con đã được cho ăn no. Nếu chưa tìm được câu trả lời cho mình, tham khảo ngay bài viết sau đây mẹ nhé!

1/ Khẩu phần mỗi ngày của trẻ

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, ngay cả khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ vẫn nên cho bé bú thêm sữa mẹ. Thậm chí, với những bé trong giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi, sữa vẫn là thức ăn chính của bé và việc cho bé ăn dặm trong giai đoạn này chủ yếu để tập làm quen với mùi vị thức ăn. Vì vậy, trong buổi đầu “sơ khai” này, mỗi lần mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng 3 muỗng thức ăn. Có thể cho bé ăn từ 1-2 lần mỗi ngày, tùy theo nhu cầu. Tuy nhiên, với những bé mới tập ăn dặm, mẹ chỉ nên bắt đầu cho bé thử từng chút một rồi mới tăng dần khẩu phẩn của trẻ.

Từ 6 -12 tháng tuổi, khẩu phần của trẻ có thể gia tăng với khoảng 6-8 muỗng thức ăn mỗi lần và lúc này, mẹ đã có thể cho bé ăn 2 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày. Tới khi được 1 tuổi, số lượng thực phẩm trẻ nạp mỗi ngày sẽ phụ thuộc nhiều vào trọng lượng và thể tích dạ dày của bé. Theo đó, cứ mỗi kg cân nặng của mình, bé cần khoảng 112 calo với thể tích dạ dày mỗi lần chỉ có thể tiêu thụ khoảng 200 gram thực phẩm. Trong giai đoạn này, thực phẩm đã trở thành nguồn năng lượng “nuôi” trẻ cả ngày và sữa chỉ là một trong những bữa phụ, giúp bé bổ sung thêm canxi.

Lý thuyết là vậy, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, trẻ em mới là người quyết định mình cần bao nhiêu thức ăn mỗi ngày. Trong khi rất nhiều bà mẹ trẻ đang lo lắng liệu nhóc nhà mình có đang ăn đủ lượng thức ăn mỗi ngày thì hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng và tâm lý trẻ em đều cho rằng, trẻ em sẽ không bao giờ tự bỏ đói bản thân mình. Vì vậy, nếu mẹ thấy bé có vẻ không muốn ăn, đừng lo lắng! Có thể dạ dày của bé đang trong tình trạng “dư thừa” rồi mẹ ơi.

2/ Lưu ý khi mẹ cho bé ăn

– Dù cũng một độ tuổi, nhưng bé cưng của bạn có thể sẽ ăn ít hơn các bé hàng xóm. Vì trong giai đoạn ăn dặm, khẩu phần ăn của mỗi bé sẽ còn tùy thuộc rất nhiều vào thời điểm bắt đầu, số lượng thực phẩm và cách bạn xay nhuyễn hay cắt nhỏ thức ăn.

– Các bé trong giai đoạn mọc răng thường có xu hướng ăn ít hơn bình thường. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất khi bé trở nên khỏe hơn.

– Hầu hết các bé sẽ cảm thấy khó chịu khi phải dừng trò chơi hấp dẫn của mình để ăn một thứ gì đó. Trong trường hợp này, mẹ nên “kéo” món đồ chơi ra khỏi tầm ngắm của bé và thu hút sự chú ý của con về dĩa thức ăn.

– Miễn là cân nặng và chiều cao của trẻ vẫn đang nằm trong chuẩn cho phép, mẹ không cần quá lo lắng.

Lưu ý khi cho bé ăn dặm
Dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn ăn dặm

Nguồn:Marry BaBy