Những năm tháng đầu đời, làn da của bé rất non nớt nên dễ nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh như chàm, rôm sảy, mẩn ngứa, zona hoặc vảy nến. Bệnh vảy nến làm da bé bị khô, đóng vảy, bong tróc, nếu không được chữa sớm còn có thể bị bong da nặng đến mức chảy máu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của bé.
Làm sao để phân biệt bệnh vảy nến với các bệnh ngoài da khác? Cách chữa bệnh vảy nến ở trẻ em như thế nào? Mẹ hãy cùng Marry Baby tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Bệnh vảy nến là gì?
Bệnh vảy nến là một loại bệnh ngoài da mãn tính rất phổ biến, gây ra các mảng bám trên da nhưng không gây nhiễm trùng.
Ở những vùng da bị bệnh, tế bào da sẽ phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần so với bình thường, nhưng khi già lại không thể bong ra khỏi cơ thể mà bám chặt trên da, tạo thành các mảng bám dày, màu đỏ bạc, gây ngứa ngáy, khó chịu.
Bệnh vảy nến hay hình thành nhiều nhất ở các vùng da trên đầu gối, da đầu, khuỷu tay và thân mình. Vì vậy, nếu ở các vùng da này của bé có những biểu hiện bất thường, mẹ nên để ý kỹ xem có phải là bệnh vảy nến không nhé.
Theo Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia Mỹ (NPF), ước tính có khoảng 20.000 trẻ em Mỹ dưới 10 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến mỗi năm. Và bệnh vảy nến thường xuất hiện trong độ tuổi từ 15 đến 35, nhưng cũng có thể phát triển ở trẻ nhỏ và ở người cao tuổi.
Bệnh vảy nến có thể giảm dần hoặc biến mất khi trưởng thành, nhưng cũng có thể theo họ suốt cuộc đời.
Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến ở trẻ
+ Bệnh vảy nến do một hệ thống miễn dịch trong cơ thể hoạt động quá mức gây ra các mảng bám.
+ Bệnh vảy nến cũng có thể do yếu tố di truyền gây ra. Theo Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia Mỹ (NPF), nếu bố, mẹ bị bệnh vảy nến thì khả năng 10% con cái cũng sẽ mắc bệnh này. Đặc biệt nếu con có cùng loại da với bố, mẹ thì tỷ lệ mắc bệnh vảy nến là 50%.
+ Do bị kích ứng da.
+ Do bệnh béo phì gây ra.
+ Do thời tiết quá khô lạnh.
Các triệu chứng bệnh vảy nến ở trẻ em
Bệnh vảy nến có rất nhiều loại và mỗi loại lại có các triệu chứng riêng biệt, đôi khi dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài da khác, nhưng mẹ có thể dựa vào triệu chứng phổ biến sau đây để chẩn đoán cho bé.
+ Các mảng da bé nổi lên thường có màu đỏ và phủ vảy màu trắng bạc nên mẹ dễ bị nhầm với chứng phát ban tã ở trẻ sơ sinh.
+ Da khô, nứt nẻ có thể chảy máu.
+ Ngứa, đau nhức hoặc cảm giác nóng rát trong và xung quanh các khu vực bị ảnh hưởng.
+ Móng tay dày, rỗ hoặc móng tay phát triển những đường vân sâu.
+ Nếp gấp da có những vệt đỏ.
Bệnh vảy nến có chữa được không?
Bệnh vảy nến là một tình trạng mãn tính nên hầu như sẽ không thể chữa trị được dứt điểm hoàn toàn.
Tùy vào cơ địa bé ở mỗi thời điểm mà bệnh vảy nến có thể tăng nặng hay giảm bớt, hoặc tạm thời biến mất nhưng sẽ xuất hiện lại vào một lúc nào đó. Các chu kỳ của bệnh thường không thể đoán trước và rất khó nhận biết các triệu chứng sẽ nghiêm trọng ra sao khi một chu kỳ bắt đầu. Do vậy, mẹ chỉ có thể tìm cách làm giảm bớt các yếu tố gây bệnh để giúp con mà thôi.
Cách điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em
Nếu có người mách dùng thuốc này, thuốc kia chữa khỏi bệnh vảy nến cho bé thì mẹ đừng nghe nhé, vì bệnh vảy nến là bệnh mãn tính chỉ có thể dùng thuốc làm giảm bớt các triệu chứng và ngăn bệnh bùng phát chứ không thể chữa khỏi. Tốt hơn mẹ nên dùng cách điều trị sau:
Điều trị tại chỗ
+ Thoa thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da để làm mềm và dịu vùng da bệnh cho bé hàng ngày.
+ Thoa thuốc chữa vảy nến cho bé nhưng nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Liệu pháp ánh sáng
+ Dùng liệu pháp ánh sáng bằng cách chiếu đèn tự nhiên và nhân tạo làm giảm triệu chứng bệnh vảy nến. Hiện nay, bệnh vảy nến còn được chữa bằng đèn laser và thuốc được kích hoạt bằng đèn đặc biệt. Mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng các phương pháp này cho con, vì tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng thêm.
+ Nếu bác sĩ khuyên nên dùng ánh sáng mặt trời tự nhiên để chữa bệnh vảy nến, mẹ hãy thường xuyên cho con hoạt động ngoài trời để da được tiếp xúc với ánh nắng nhé.
Thuốc uống hoặc thuốc tiêm
+ Bác sĩ có thể cho bé uống thuốc hoặc tiêm thuốc chữa vảy nến nhưng cần đảm bảo bé đã qua độ tuổi sơ sinh và chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn vì có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống
Sinh hoạt và ăn uống cũng góp phần vào việc làm tăng bệnh hay giảm bệnh cho bé. Mẹ nên thiết lập cho bé một chế độ ngủ nghỉ đúng giờ và ăn uống khoa học để tăng cường hệ miễn dịch chống lại bệnh tật như tập thể dục hàng ngày, tắm gội vệ sinh sạch sẽ, ngủ đúng giờ, ăn thực phẩm sạch…
Khi nào nên đưa bé tới bệnh viện?
Khi thấy tình trạng bệnh của con có diễn biến nặng, như bong tróc và gây chảy máu làm bé đau, khóc, mẹ hãy đưa con tới bệnh viện để điều trị ngay nhé.
Giúp con không bị mặc cảm khi sống chung với bệnh vảy nến
Mẹ biết đấy, bệnh vảy nến là loại mãn tính không thể chữa khỏi cho nên bé sẽ phải sống chung với nó cả đời. Những mảng bám trên da gây mất thẩm mỹ sẽ làm con cảm thấy tự ti với bạn bè, thậm chí còn bị bạn bè xa lánh.
Mẹ hãy giúp con nhận thức về bệnh vảy nến bằng cách nói với con rằng: “Đó là một bệnh không lây nhiễm và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Con đừng tự ti về bản thân bởi vì con không hề xấu, con rất dễ thương và thông minh, vì vậy đừng mặc cảm về bản thân nhé”.
Nếu cần thiết, mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ tâm lý để được bác sĩ khuyên nhủ về làn da của bé, giúp bé chấp nhận việc sống chung với bệnh vảy nến và không mặc cảm về nó.
Bệnh vảy nến ở trẻ em rất phổ biến, nó có thể tự mất đi hoặc nặng thêm theo thời gian mà không có thuốc đặc trị khỏi hẳn. Vì vậy, mẹ cần thuyết phục bé đối diện và chấp nhận bệnh để bé không mặc cảm về bản thân. Cùng với đó, mẹ hãy dùng các biện pháp điều trị tại nhà an toàn để làm giảm tình trạng bệnh cho con nhé.
Nguồn:Marry BaBy