Chữa bệnh đái dầm: Không muốn bị con “đái trôi cả mẹ” thì nên học ngay

1055

chữa bệnh đái dầmChữa bệnh đái dầm thì dân gian có nhiều cách. Song các cách này có thật sự hiệu quả hay không? Chi bằng các mẹ cứ thử áp dụng theo phương pháp khoa học hiện đại xem sao nhé.

Con trẻ nào mà chẳng trải qua thời kỳ đái dầm. Có trẻ đái nhiều đến mức giường chiếu như muốn “lạc trôi”, nhà cửa khai mù khai mịt. Điều ấy là rất bình thường ở lứa tuổi dưới 5. Song sau 5 tuổi, nếu vẫn tiếp tục đái dầm vào ban đêm nhiều như thế thì có thể bé đã gặp phải vấn đề về sức khỏe.

Hãy cùng Metaodo tìm hiểu về bệnh đái dầm ở trẻ em và cách chữa bệnh đái dầm như thế nào qua bài viết dưới đây nhé.

I. Bệnh đái dầm vào ban đêm là gì?

Đái dầm về đêm là chứng bệnh chỉ tính ở trẻ em đã hơn 5 tuổi. Trong số đó, có thể bao gồm cả thanh, thiếu niên. Bệnh này tuy không đe dọa tới sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.

Việc thức giấc giữa đêm thường xuyên có thể khiến bé mệt mỏi, học tập sa sút. Ngoài ra, bệnh này cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ của người lớn trong nhà.

Bệnh đái dầm chiếm tỷ lệ 20% ​​ở trẻ 5 tuổi và 10% ở trẻ 7 tuổi. Tỷ lệ đái dầm ở thanh thiếu niên rất ít, chỉ khoảng 1% – 3%.

Đặc biệt, đái dầm về đêm ở bé trai phổ biến gấp 2 – 3 lần so với ở bé gái.

Có 2 loại đái dầm về đêm:

+ Đái dầm nguyên phát: Tình trạng này là trẻ chưa bao giờ kiểm soát được bàng quang vào ban đêm. Vì thế, bé luôn luôn đái ướt giường.

+ Đái dầm thứ phát: Tình trạng này là trẻ đã kiểm soát được bàng quang vào ban đêm trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng. Song sau đó bé bị mất kiểm soát và lại bị đái dầm.

+ Đái dầm sơ cấp: Tình trạng diễn ra ở trẻ lớn hoặc thanh thiếu niên. Đây có thể là dấu hiệu trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Ví dụ như vấn đề về thần kinh (liên quan đến não), căng thẳng.

II. Nguyên nhân gây bệnh đái dầm vào ban đêm ở trẻ em 

Bệnh đái dầm ban đêm ở trẻ được xác định bởi ba nguyên nhân sau:

+ Bàng quang: Bàng quang bị hẹp lại vào ban đêm.

+ Thận: Thận sản xuất nước tiểu quá nhiều vào ban đêm.

+ Não: Não không thể thức dậy trong lúc ngủ.

Trẻ sơ sinh và bé mới biết đi thường đái dầm do các liên kết giữa não và bàng quang chưa được hình thành đầy đủ. Vì thế, nước tiểu sẽ được giải phóng bất cứ khi nào bàng quang cảm thấy đầy.

Ở trẻ lớn hơn, các kết nối giữa não và bàng quang đã phát triển nên bé có thể tự kiểm soát việc đi tiểu vào ban ngày. Đối với việc đi tiểu vào ban đêm, bé cần nhiều thời gian hơn mới có thể kiểm soát được.

III. Các yếu tố có thể khiến trẻ dễ mắc phải bệnh đái dầm ban đêm 

1. Yếu tố di truyền

Nếu bố mẹ có tiền sử bệnh đái dầm vào ban đêm ở lứa tuổi trên 5 thì con cái cũng dễ mắc phải. Tỷ lệ bé mắc phải bệnh đái dầm là 40% nếu bố hoặc mẹ có tiền sử. Và 70% nếu cả bố và mẹ cùng từng mắc phải như thế.

2. Căng thẳng, lo lắng 

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đái dầm thứ cấp ở trẻ trên 5 tuổi. Khi trẻ bị căng thẳng, não bộ sẽ truyền thông tin sai đến bàng quang khiến bé không thể kiểm soát việc đi tiểu đêm.

Bé có thể căng thẳng khi chuyển đến nơi ở mới, bố mẹ ly hôn, mất đi người thân hoặc lo lắng về học tập.

chữa bệnh đái dầm
Trẻ bị căng thẳng dễ đái dầm đêm

3. Giấc ngủ sâu

Giấc ngủ sâu, giấc ngủ kém hoặc ngủ ít là một phần trong sự phát triển tự nhiên ở thanh, thiếu niên. Đặc biệt là ở thời điểm thi cử cuối cấp trung học.

4. Ngưng thở khi ngủ 

Một số ít trường hợp, tình trạng đái dầm xảy ra do trẻ bị ngưng thở khi ngủ và ngáy. Trẻ mắc bệnh này thường có đường thở bị tắc một phần và gây ngừng thở trong giây lát khi ngủ. Đây là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng hóa học của não, có thể kích hoạt đái dầm.

5. Táo bón

Bàng quang và ruột rất gần nhau trong ổ bụng. Ruột bị tắc nghẽn do táo bón sẽ chèn ép lên bàng quang, khiến trẻ đi tiểu mất kiểm soát. Ngoài ra, tiêu chảy cũng có thể là nguyên nhân khiến bé bị đái dầm đêm.

6. Bệnh bàng quang hoặc thận

Nếu gặp các vấn đề về thận hoặc bàng quang, các triệu chứng về sức khỏe ở hai bộ phận này sẽ bộc phát vào ban đêm. Ví dụ như bé đi tiểu liên tục vào ban đêm, bé bị đau khi đi tiểu…

7. Bệnh thần kinh

Khi bé gặp vấn đề về tủy sống phát triển sai cách cũng có thể gây ra bệnh đái dầm đêm. Nếu thấy bé có các triệu chứng khác như tê, ngứa ran hoặc đau ở chân có nghĩa là bé có thể đang gặp vấn đề về tủy sống.

cách chữa đái dầm
Trẻ bị bệnh về thần kinh dễ đái dầm đêm

8. Dùng thuốc hoặc bệnh nền

Trong một số ít trường hợp, bệnh tiểu đường cũng có thể gây đái dầm ở trẻ em. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy, trẻ bị rối loạn thiếu tập trung/hiếu động có nhiều khả năng bị đái dầm, do sự khác biệt trong hóa học não. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái dầm ở trẻ em.

III. Bệnh đái dầm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và sinh hoạt của gia đình bé như thế nào?

Bệnh đái dầm tác động xấu tới cảm xúc của trẻ em và gây ra nhiều bất tiện cho gia đình của bé.

1. Bệnh đái dầm đêm ảnh hưởng đến tâm lý của bé

+ Trẻ có thể xấu hổ, cảm thấy lo lắng hoặc tự ti. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ, chất lượng cuộc sống và việc học tập của bé.

+ Trẻ cảm thấy khó khăn trong sinh hoạt tập thể. Ví dụ như ngủ chung với bạn bè khi cắm trại qua đêm.

2. Bệnh đái dầm đêm gây ra bất tiện cho gia đình 

+ Anh chị em của bé có thể phải ngủ ở phòng riêng hoặc bị tỉnh giấc vì tiếng đồng hồ báo thức mà bố mẹ đặt.

+  Các thành viên trong gia đình phải làm thêm việc dọn dẹp chăn mền trong đêm.

IV. Cách chữa bệnh đái dầm ban đêm cho bé

Mẹ có thể chữa đái dầm cho bé theo các cách sau:

1. Thiết lập đồng hồ sinh học

Nghiên cứu cho thấy khoảng một nửa số trẻ sử dụng đặt báo thức đái dầm đúng cách, sau vài tuần tình trạng tiểu trong lúc ngủ đã giảm đáng kể.

Chuông báo thức kêu khi đồ lót của bé bị ướt để làm bé thức dậy. Theo thời gian, bộ não được đào tạo để liên kết cảm giác muốn đi tiểu khi báo thức tắt. Bé sẽ rèn được thói quen thức dậy và đi vào nhà vệ sinh.

Việc thiết lập đồng hồ sinh học cho bé không đơn giản. Vì thế, bố mẹ cần hỗ trợ tích cực để giúp con thức dậy hoàn toàn và có thể tự đi vào nhà vệ sinh khi báo thức kêu.

2. Thuốc

Có hai loại thuốc đã được Bộ Y tế Mỹ duyệt để chữa bệnh đái dầm, đó là imipramine và desmopressin. Song nếu chữa bằng cách này, trẻ sẽ bị phụ thuộc vào thuốc. Điều này có nghĩa, khi ngừng dùng thuốc bé sẽ bị đái dầm trở lại cho đến khi trưởng thành. 

3. Giảm căng thẳng 

Nếu bé đái dầm vì nguyên nhân căng thẳng thì mẹ hãy tìm cách giúp con thư giãn.

4. Không uống nhiều nước khi chuẩn bị đi ngủ 

Việc uống quá nhiều nước hoặc ăn thức ăn lỏng trước lúc đi ngủ sẽ khiến thận phải bài tiết nhiều nước tiểu. Trong lúc ngủ say, bé có thể sẽ không kiểm soát được việc đi tiểu. Vì thế, mẹ không nên để con uống nhiều nước vào buổi tối.

5. Các cách chữa bệnh đái dầm khác

+ Hạn chế ăn thực phẩm hoặc đồ uống có caffeine. Đồng thời tránh đồ ăn nhẹ mặn và đồ uống có đường vào buổi tối.

+ Khuyến khích con đi vệ sinh thường xuyên trong ngày (cứ sau 2-3 giờ) và ngay trước khi đi ngủ.

+ Đánh thức trẻ chỉ một lần trong đêm để đi tiểu nếu cần thiết. Nếu bạn đánh thức nhiều lần, trẻ có thể bị rối loạn giấc ngủ.

Chữa bệnh đái dầm cho bé rất cần sự hỗ trợ kiên trì của người lớn. Bố mẹ không chỉ giúp con chữa bệnh mà còn giúp bé ổn định tâm lý nữa. Nếu đã áp dụng nhiều cách chữa bệnh đái dầm mà bé chưa khỏi, bạn nên thử các cách được hướng dẫn trong bài viết này nhé.

Nguồn:Marry Baby