Điều trị cho trẻ bị cảm lạnh có thể dùng các phương pháp dân gian, kiên nhẫn chờ đợi với những trường hợp bị nhẹ thì có thể không cần tới bệnh viện.
Cảm lạnh là bệnh trẻ em phổ biến do một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó Rhinovirus chiếm phần lớn. Trẻ có thể bị cảm nhiều đợt trong năm. Trẻ dưới 10 tuổi có thể bị cảm 3-5 lần/năm.
Triệu chứng trẻ bị cảm lạnh
Cũng có dấu hiệu lâm sàng khá giống với cảm cúm, cảm lạnh sau khi hắt hơi thường xuyên thường có các triệu chứng như:
- Sổ mũi: Mũi xuất hiện dịch đặc, gây khó ngủ cũng như khó chịu khi trẻ đi học. Ban đầu, dịch trong, loãng dễ “hỉ” nhưng nếu không được vệ sinh sạch sẽ để ứ đọng nhiều hoặc bị bội nhiễm vi khuẩn thì dịch có thể trở nên đục, xanh.
- Sốt: Khác với cúm mùa, có thể trẻ bị sốt cao trên 39 độ C thì cảm lạnh thông thường chỉ sốt nhẹ, 38 độ C.
- Viêm long đường hô hấp trên: Trong thời gian từ 1-3 ngày, trẻ sẽ ho và ho có đờm sau đó là các biểu hiệu nghẹt mũi, há miệng để thở, ngủ ngáy.
- Biếng ăn: Do nghẹt mũi và ho nên trẻ sẽ gặp khó khăn trong ăn uống đồng thời, vị giác cũng sẽ thay đổi khẩu vị.
Trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều
Cùng với các triệu chứng sổ mũi, sốt, biếng ăn thì khi bị cảm, trẻ thường xuyên bị nôn trớ vì bé nuốt nước mũi và nước bọt vào dạ dày. Điều này khiến đầy bụng quá mức, gây buồn nôn và nôn – một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể.
Trường hợp trẻ chỉ nôn trớ nhẹ, không sốt và không quấy khóc quá nhiều thì bố mẹ không cần quá lo lắng. Chỉ cần cho trẻ nằm nghỉ ngơi khoảng 30-60 phút sau khi nôn trớ, không cho ăn hoặc uống bất kì thứ gì
Tiếp theo xoa bụng bé một cách nhẹ nhàng, bé có thể cảm thấy dễ chịu hơn. Sau khi ngừng nôn, nếu là trẻ sơ sinh thì cho trẻ bú sữa mẹ, trẻ lớn hơn thì cho trẻ ăn một cái gì đó nhẹ và nhạt, ví dụ như một chiếc bánh quy, bánh mì, vài miếng chuối hoặc bơ,…
Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ nhỏ
Thủ phạm làm trẻ bị cảm lạnh không gì khác chính là virus rhino. Có mặt đầy rẫy trong không khí và bụi bẩn, đó là lý do vì sao siêu vi khuẩn này luôn tìm mọi cách xâm nhập vào cơ thể khi có cơ hội.
Thời tiết thay đổi, nhất là khi không khí hanh khô, virus rhino càng được dịp “tung hoành”. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, vì vậy nhanh chóng trở thành đối tượng “yêu thích” của bệnh cảm lạnh.
Cách trị cảm lạnh cho trẻ ngay tại nhà
Để các triệu chứng nhanh chóng thuyên giảm, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể là nước lọc cũng có thể là sữa, đồ ăn dễ nuốt như cháo, súp.
- Vệ sinh mũi: Để giúp trẻ không bị khó chịu khi ngủ hoặc thở bằng miệng hãy hướng dẫn cho trẻ cách vệ sinh rửa mũi khi bị bệnh bằng cách sử dụng dung dịch nước muối sinh lý (0.9 %), nước muối biển sâu hoặc có thể lấy mũi cho trẻ bằng khăn giấy sạch cuốn bấc sâu kèn.
- Giảm ho: Các bài thuốc dân gian trị ho có thể áp dụng cho trường hợp này bao gồm: Hoa hồng bạch hấp cách thủy, tắc chưng đường phèn, mật ong, chanh đào ngâm mật ong, mát-xa gan bàn chân bằng dầu nóng…
Trẻ bị cảm lạnh nên ăn gì?
Chắc chắn khi con bị ốm mẹ không nên ép ăn cơm hoặc đồ khô mà nên cho trẻ ăn súp hoặc cháo gà giúp làm dịu tình trạng cảm lạnh. Đồng thời các món ăn dạng lỏng này tác dụng làm sạch đường hô hấp, hỗ trợ thuyên giảm nghẹt mũi tốt hơn so với các món nóng khác. Mẹ có thể bỏ thêm một số nguyên liệu như hành, gừng… nếu bé ăn được.
Các loại rau xanh như cải xoăn, bông cải xanh, hành đỏ… chứa một chất chống ô-xy hóa được gọi là quercetin có thể giúp chống lại các cơn cảm lạnh thông thường.
Cho bé thưởng thức sữa chua cũng là một lựa chọn hợp lý để bổ sung các loại vi khuẩn có lợi, thúc đẩy sức khỏe của hệ tiêu hóa và giúp ngăn ngừa bệnh dạ dày.
Khi nào mẹ cần đưa con bị cảm lạnh đến bác sĩ?
- Sốt liên tục: Đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm khác.
- Đau khi nuốt: Đau buốt khi nuốt cho thấy họng trẻ đã bị viêm.
- Ho liên tục: Ho nặng hơn sau 2-3 tuần, trẻ có thể bị viêm tiểu phế quản và cần thuốc kháng sinh. Viêm xoang cũng làm con ho dai dắng.
- Đau đầu và tắc mũi không khỏi: Trẻ đau quanh mắt và mặt, tiếp tục chảy nước mũi sau một tuần, rất có thể con đã gặp biến chứng viêm xoang. Trẻ nên được đưa đến phòng khám để bác sĩ kê thuốc kháng sinh.
- Trẻ khó thở hoặc thở nhanh, da chuyển màu hơi tái, không uống đủ nước, không tương tác bình thường, quấy khóc, khó chịu, các triệu chứng được cải thiện sau đó đột nhiên xấu đi, sốt kèm theo nổi ban… Đó là dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp y khoa ngay lập tức.
Biện pháp phòng ngừa trẻ em bị nhiễm lạnh
Cách tốt nhất để nâng cao sức đề kháng là bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Bạn cũng cần lưu ý khi bổ sung vitamin C và kẽm không nên quá nhiều. Cho trẻ uống 3-4 ly nước chanh/ ngày có thể sẽ gây tác dụng ngược. Các nhà khoa học hiện nay chưa biết chắc liệu bổ sung vitamin C hoặc kẽm có thể hạn chế các triệu chứng cảm lạnh trong bao lâu và làm giảm mức độ nghiêm trọng nhưng bất cứ cái gì quá nhiều đều không tốt.
Để tránh bị cảm lạnh, trẻ nên biết cách giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trẻ cần rửa tay bằng xà bông trước và sau khi ăn. Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ mỗi ngày. Trong mùa dịch bệnh, nên hạn chế cho trẻ tới nơi đông người. Giáo dục trẻ khi ho khạc vào khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác.
Khi trẻ bị cảm lạnh, mẹ không cần quá lo lắng vì “Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương”. Thực tế cho thấy chưa có loại thuốc nào có thể chữa được cảm lạnh thông thường nên bạn chỉ cần cố gắng làm giảm một vài triệu chứng như nhức mỏi cơ, đau đầu và sốt để giảm bớt khó chịu cho trẻ.
Nguồn:Marry Baby