Viêm tiểu phế quản ở trẻ em: Chăm sóc sai cách, bệnh dễ nặng hơn

662
Viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ là bệnh hô hấp cấp tính rất hay gặp trong thời tiết giao mùa. Nếu không biết chăm sóc trẻ đúng cách dễ khiến bé bị biến chứng nặng nề, gây suy hô hấp.

Nguy cơ mắc bệnh do đâu?

Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính do virus hô hấp gây ra, đứng hàng đầu là virus hợp bào hô hấp (virus Respiratoire Syncytial), chiếm 30 – 50% trường hợp mắc bệnh. Virus này có khả năng lây lan rất mạnh. Ở người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virus này nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi bị lây nhiễm có thể biểu hiện dưới dạng nặng là viêm tiểu phế quản. Virus cúm, á cúm và Adenovirus cũng gây bệnh cho nhiều trẻ bị viêm tiểu phế quản.

Bệnh viêm tiểu phế quản là bệnh lây nhiễm, có thể lây lan qua hắt hơi và ho. Bệnh cũng có thể lây khi tay chạm vào miệng hay mũi sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh.

Bệnh đa phần xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, tần suất cao nhất là 3-6 tháng tuổi. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn, chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp, thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa sẽ bị thiếu ôxy để thở.

Các bé hay bị viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA, trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hoặc trẻ bị bệnh phổi bẩm sinh… đều có nguy cơ cao mắc viêm tiểu phế quản nếu không được chăm sóc tốt.

Làm sạch mũi họng bằng cách nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày cho trẻ.

Không chủ quan với diễn tiến của bệnh

Những triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản thường giống như cảm lạnh: sổ mũi, ho nhẹ và sốt nhẹ trong 1 – 2 ngày. Sau đó, các triệu chứng này sẽ phố biến và tăng lên. Sau từ 3 – 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Trẻ thở khó khăn nên quấy khóc, bỏ bú và đi dần đến thở mệt, da tái và tím. Diễn tiến suy hô hấp nặng, thậm chí ngừng thở nếu không kịp thời điều trị. Những trẻ đến viện khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Cá biệt có một số trường hợp ho sẽ kéo dài hơn trong nhiều tuần.

Đề phòng biến chứng

Trẻ mắc viêm tiểu phế quản nếu không được điều trị tốt dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Rối loạn chức năng hô hấp, xuất hiện từng cơn khó thở ra tái phát, viêm tiểu phế quản lan toả. Nghiêm trọng hơn sẽ làm trẻ bị suy hô hấp cấp, tràn khí màng phổi, viêm phổi – trung thất, xẹp phổi và thậm chí tử vong. Bệnh sẽ có biến chứng nặng hơn ở trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non – nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch. Hơn nữa, sự tái diễn nhiều lần của viêm tiểu phế quản còn là nguyên nhân gây hen phế quản sau này.

Chăm sóc và điều trị trẻ mắc viêm tiểu phế quản

Khi bé mới có dấu hiệu của bệnh, điều quan trọng là nâng cao thể lực của trẻ và điều trị các triệu chứng bằng nhiều cách. Trước hết, phải cho trẻ tăng cường bú mẹ. Với những trẻ đã ăn dặm, nên cho ăn loãng hơn, uống thêm nước theo nhu cầu, có thể là nước lọc, nước ép hoa quả, nước cháo…

Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Lưu ý, trước khi cho trẻ ăn, cần làm thông thoáng mũi họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ mỗi lần 5-6 giọt, ngày 5-6 lần hoặc hơn. Sau khi nhỏ muối sinh lý, đợi 1 lúc để nước mũi loãng ra rồi dùng dụng cụ hút sạch mũi hoặc có thể dùng miệng để hút mũi trẻ.

Những trường hợp gây biến chứng nặng làm bít tắc đường thở, biểu hiện đứa trẻ thở mệt nhọc, ăn uống kém, nôn trớ nhiều thì cần đưa ngay đến viện khám để được điều trị thích hợp.

Về điều trị bệnh, chủ yếu là làm long đờm, ăn uống đầy đủ, chưa cần thiết dùng kháng sinh. Nếu được chăm sóc tốt ngay từ đầu, nhiều trường hợp sau vài ngày sẽ tự khỏi. Trong trường hợp bị bội nhiễm gây sốt, đờm dãi đậm đặc, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng kháng sinh.

Nếu trẻ bị sốt, không nên ủ trẻ quá ấm. Mặc vừa đủ, dùng nước ấm chườm vào nách, cổ, bẹn. Nếu sốt trên 38,5 độ, có thể cho trẻ uống paracetamol để hạ sốt nhưng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, cần chú ý liều lượng phù hợp với trọng lượng cơ thể.

Ðể phòng bệnh, cha mẹ cần vệ sinh mũi họng, cơ thể sạch sẽ cho trẻ hàng ngày. Vệ sinh phòng ngủ, chăn ga, gối đệm, đảm bảo phòng thông thoáng. Người lớn không hút thuốc trong nhà. Mẹ trước khi cho con ăn cần rửa tay sạch sẽ. Trong gia đình có người bị bệnh hô hấp, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Nguồn:Suckhoedoisong.vn