Phát hiện và điều trị bệnh lao ở trẻ em

761
Mặc dù trẻ khi sinh ra đều được tiêm vắc-xin phòng bệnh lao, nhưng trên thực tế vẫn có một số trẻ em bị nhiễm bệnh, do bỏ sót không tiêm chủng hoặc tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh. Cần lưu ý phát hiện, chẩn đoán bệnh lao ở trẻ em để điều trị kịp thời.

Những dạng lao ở trẻ em

Lao khởi đầu (lao sơ nhiễm): Thường gặp nhiều nhất, có thể xảy ra ở trẻ dưới 14 tuổi, nhưng thông thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và chưa được chủng ngừa BCG. Khi bị sơ nhiễm lao thường trẻ không có triệu chứng, hoặc có triệu chứng của cảm cúm thoáng qua, hay nóng sốt mệt mỏi… Một số trường hợp diễn tiến nhẹ và tự khỏi nếu trẻ có sức đề kháng tốt. Trẻ bị sơ nhiễm lao thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt nhẹ về chiều, thỉnh thoảng có sốt cao. Ngoài ra còn có thể có ho khan, khạc đờm, đau ngực, khó thở. Tùy theo trẻ mắc loại lao gì mà bệnh cảnh còn có thêm những triệu chứng điển hình khác.

Lao cấp tính: Lao màng não, lao kê cấp tính là hai biến chứng nặng và sớm của sơ nhiễm lao, dễ đưa đến tử vong nếu không biết và để lại di chứng trầm trọng nếu chẩn đoán trễ. Bệnh xảy ra ở các lứa tuổi, nhưng nhiều nhất ở trẻ không chủng ngừa BCG, trước 2 tuổi.

Lao màng não: Xảy ra từ 2-12 tháng sau sơ nhiễm lao, báo hiệu với triệu chứng sốt nhẹ, thay đổi tính nết. Sau đó một tuần sốt 38oC, nhức đầu, ói mửa, khám thấy có cứng cổ và đôi khi có dấu hiệu tổn thương thần kinh, co giật, hôn mê, lé mắt, động kinh, sụp mí mắt.

Nếu chẩn đoán chậm đưa đến di chứng nặng như di chứng tâm thần (thiểu năng trí tuệ, rối loạn tính tình, động kinh); yếu liệt nửa người, tay chân co rút, mù mắt, điếc…

Phát hiện và điều trị bệnh lao ở trẻ emTiêm vắc-xin phòng lao cho trẻ.

Lao kê: Là lao cấp ở phổi, xuất hiện trong những tuần lễ đầu sau sơ nhiễm lao với triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, ói mửa, đau bụng, tiêu chảy, không có nốt hồng ban trên bụng (khác thương hàn) và luôn luôn có dấu hiệu hô hấp khó thở, tím tái. Trẻ bị lao kê thường dễ dẫn đến lao màng não.

Lao đường hô hấp: Lao màng phổi và phổi thường gặp ở trẻ lớn, gần tuổi dậy thì hơn là trẻ nhỏ. Thường có triệu chứng ho kéo dài, sốt nhẹ, sụt cân, ăn uống kém…

Lao ngoài phổi: Thường là biến chứng chậm hơn sau sơ nhiễm lao. Có nhiều dạng lao ngoài phổi như lao cột sống: giai đoạn đầu trẻ thường có biểu hiện đau vùng cột sống rồi từ từ gù lưng; lao xương, khớp: trẻ bị sưng đau khớp và chảy mủ ở xương khớp rò ra ngoài da; lao hệ niệu: trẻ có triệu chứng đi tiểu ra máu, thường có kèm theo sưng tinh hoàn – nếu là bé trai; lao hạch: nổi hạch thường từng chùm, dính nếu để trễ sẽ gây rò mủ làm sẹo xấu; lao ruột: đi tiêu lỏng hoặc đi tiêu ra đờm, máu kéo dài.

Chẩn đoán và điều trị bệnh

Ở trẻ em việc chẩn đoán lao, tìm ra vi trùng lao thường khó hơn so với người lớn. Ngay cả bản thân trẻ bị lao phổi cũng khó tìm ra vi trùng lao vì trẻ chưa hoặc không biết khạc đờm. Đối với lao sơ nhiễm, trẻ có những triệu chứng, biểu hiện giống như bệnh cảnh viêm đường hô hấp nên rất khó chẩn đoán.

Về điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn. Tuy nhiên, phụ huynh phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng với hướng dẫn của thầy thuốc, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định.

Phòng bệnh lao cho trẻ thế nào?

Bệnh lao ảnh hưởng chủ yếu đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chịu những tác động nặng nề do mắc các bệnh như viêm màng não lao (gây mù, điếc, liệt hay tâm thần), mắc lao đa kháng thuốc (đòi hòi điều trị kéo dài, tốn kém với các tác dụng phụ do thuốc rất nặng) và cũng rất dễ tử vong. Ít nhất một nửa triệu trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh lao mỗi năm và khoảng 70.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Trẻ dưới 3 tuổi và những trường hợp suy dinh dưỡng hay suy giảm hệ miễn dịch là những đối tượng dễ mắc lao nhất.

Thuốc chủng ngừa duy nhất hiện đang có sẵn cho bệnh lao là vắc-xin BCG (Bacillus Calmette-Guérin). Tuy nhiên, BCG chỉ tạo sự bảo vệ đến khi trẻ 15 tuổi và không an toàn khi sử dụng ở trẻ em sống chung với HIV. Do đó, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay trẻ có cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV…) cần được tầm soát và điều trị dự phòng bệnh lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70-80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.

Các bậc phụ huynh hãy đưa con em đi tiêm phòng vắc-xin BCG theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng; phát hiện và điều trị sớm những người trong gia đình bị bệnh lao, tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây lao; giữ gìn sức khỏe cho trẻ, cho trẻ ăn đủ chất để chống suy dinh dưỡng; giữ gìn môi trường sống tốt, nhà cửa thoáng đãng, sạch sẽ…

Trong gia đình có người bị lao thì cách ly trẻ, không nên tiếp xúc gần gũi (hôn hít) với trẻ… Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao (ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm…) cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị đúng theo công thức của Chương trình Chống lao quốc gia, đảm bảo theo nguyên tắc DOST (hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát).

Nguồn:Suckhoedoisong.vn