Giấc ngủ ban ngày của trẻ sơ sinh, bao nhiêu là đủ?

859

Tổng số thời gian ngủ của trẻ sơ sinh sẽ được tính cả những giấc ngắn vào ban ngày và những giấc ngủ dài vào ban đêm. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý việc “chia” số cữ ngủ giấc ngắn cho bé một cách hợp lý, nếu không muốn trẻ “ngủ ngày, cày đêm”.

Thời gian ngủ ngày của trẻ sơ sinh

Ba mẹ cần lưu ý rằng, dưới đây chỉ là khung thời gian mẫu về số thời gian ngủ ngày của trẻ sơ sinh và không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng ngủ đúng “y chóc” tổng số thời gian này, giấc ngủ của trẻ sơ sinh phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, môi trường và cách chăm sóc của “nhị vị phụ huynh”. Đồng thời, trong những tháng đầu đời, nhu cầu ăn của bé nhiều hơn nhu cầu ngủ, do đó đừng so sánh giấc ngủ của con mình với “con nhà người ta” và bắt ép bé ngủ quá nhiều, dù bạn sẽ phải vất vả hơn trong việc chăm trẻ.

Trung bình, một đứa trẻ sơ sinh sẽ ngủ khoảng 2-3 tiếng mỗi giấc vào ban ngày, sau đó tự động thức dậy đòi bú, do dạ dày của trẻ còn khá nhỏ, nên trẻ sẽ cảm thấy nhanh đói, nếu bé ngủ quá 3 tiếng mà không chịu dậy thì mẹ nên nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để “nạp thêm năng lượng” mẹ nhé. Còn vào ban đêm, bé có thể ngủ liên tục khoảng 4-6 tiếng/đêm.

Trong những tuần đầu đời, việc ngủ của bé vẫn chưa thể đi vào “quỹ đạo” được, cho nên mẹ hãy để bé ngủ theo nhu cầu của mình, sau 6 tuần tuổi, thì mẹ hãy bắt đầu dạy con phân biệt ngày và đêm, dần dần bé sẽ ngủ theo đúng giờ giấc mà mẹ đã đặt ra. Cũng trong giai đoạn này, mẹ sẽ nhận thấy bé sẽ ngủ ít lại, nhưng mỗi giấc ngủ của bé sẽ kéo dài hơn, khoảng 3-4 giấc ngủ ngắn mỗi ngày là đủ cho bé.

Bước sang tháng thứ 3, giấc ngủ ban đêm của bé sẽ gấp đôi số giờ ngủ ban ngày của trẻ, nghĩa là từ tháng này trở đi, trẻ sẽ dần dần ngủ ít đi vào ban ngày. Đến 6 tháng tuổi, những giấc ngủ ban ngày của bé sẽ dài hơn nhưng kém thường xuyên hơn, nhưng bù lại bé sẽ có thể ngủ từ 12-14 tiếng mỗi đêm và thỉnh thoảng thức giấc vào một thời gian nào đó trong đêm, không cố định. Khi được 12 tháng tuổi, nhiều bé vẫn ngủ tổng cộng từ 12 tiếng đến 14 tiếng, bao gồm một giấc vào ban ngày.

trẻ sơ sinh ngủ giấc ngắn
Trẻ mới sinh sẽ ngủ nhiều giấc vào ban ngày, mỗi giấc ngủ kéo dài khoảng 2-3 tiếng

Tập cho bé ngủ ngoan

Hãy bắt đầu tập cho bé tự ngủ ngoan khi bé được 6-8 tuần tuổi mẹ nhé, điều này sẽ giúp hình thành thói quen tốt cho bé và giúp ba mẹ đỡ vất vả hơn khi dỗ bé ngủ. Nếu ba mẹ chần chừ hoặc không dứt khoát trong việc rèn giấc ngủ cho bé, ba mẹ sẽ gặp phải rắc rối to đấy, vì trẻ càng lớn thì càng khó “dạy dỗ”.

Một vài lời khuyên sau đây sẽ giúp ba mẹ rất nhiều trong việc dạy bé tự ngủ đấy, cùng “ngâm cứu” nhé.

1.Điều quan trọng nhất: Dạy bé phân biệt ngày và đêm. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh đã có xu hướng làm “cú đêm” bằng chứng là mẹ sẽ thấy bé quẫy đạp trong bụng mình nhiều hơn vào ban đêm. Do đó, khi chào đời, bé vẫn sẽ giữ thói quen này và mẹ cần giúp trẻ nhận thức được ban ngày và ban đêm.

Vào ban ngày, hãy giữ cho bé tỉnh táo bằng cách bật đèn sáng, chơi với bé và khi bé ngủ ngắn mẹ và người thân cũng không cần phải giữ yên lặng tuyệt đối đâu, cứ giữ nếp sinh hoạt bình thường. Nhưng nhớ là bé sơ sinh vẫn cần được ngủ các giấc ngắn trong ngày đấy nhé, đừng cố giữ cho bé thức, việc “quá giấc” sẽ làm bé căng thẳng và “phát cáu” lên đấy.

Còn vào ban đêm, mẹ hãy cho bé bú no, thay tã khô, tắt bớt đèn và giữ yên lặng để bé dễ đi vào giấc ngủ hơn.

2.Chú ý đến các dấu hiệu buồn ngủ của bé. Mỗi một đứa trẻ sẽ có một “ám hiệu” riêng để thông báo cho ba mẹ biết rằng mình đã buồn ngủ và mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu này. Ngay sau khi bé “phát tín hiệu”, mẹ nên dỗ bé ngủ ngay, vi khi trẻ quá mệt mỏi, việc dỗ bé ngủ sẽ khó khăn hơn, thậm chí là “mất giấc”. Lâu dần, mẹ sẽ nhận thấy bé sẽ có một thời gian “buồn ngủ” cố định, mẹ có thể “lợi dụng” việc này đế việc dỗ bé trở nên dễ dàng hơn, ví dụ như trẻ thường hay tỏ ra cáu gắt và sẵn sàng đi ngủ lúc 10 giờ sáng, thì mẹ có thể dỗ cho trẻ ngủ trước đó 15 phút trước khi bé “phát cáu”.

3.Duy trì thời biểu hợp lý. Khi đã đặt cho bé một thời biểu ăn-chơi-ngủ hợp lý thì mẹ nên cố gắng ren trẻ theo khung thời gian này, nếu để trẻ ăn ngủ “vô tội vạ” thì trẻ sẽ không bao giờ có được một thói quen tốt cả. Nhưng đừng quá cứng nhắc, trong 1 số trường hợp, mẹ vẫn có thể “du di” cho bé một ít thời gian, nếu bé đã tập thành một thói quen ngủ cố định, bé sẽ có thể dễ dàng trở lại chu kỳ cũ dù có lỡ bị gián đoạn.

4.Áp dụng một số thói quen cho bé trước khi ngủ. Hãy ghi nhớ một điều, “trẻ nhỏ như 1 tờ giấy trắng”, do đó, cách mà ba mẹ dỗ bé ngủ rất quan trọng, nó sẽ hành thành thói quen cho bé trong những năm tháng đầu đời. Nếu muốn dỗ bé ngủ bằng cách bế trên tay, đưa võng, hay vỗ mông thì bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng lại nhé vì bạn sẽ phải thực hiện “thủ tục” này mỗi đêm đấy, thế nên hãy lựa chọn những phương pháp có vẻ “khả thi” cho cả mẹ và bé nhé.

Nhưng mẹ cần lưu ý, tuyệt đối không rung lắc người bé khi muốn dỗ bé, vì não của trẻ sơ sinh vẫn chưa ổn định hoàn toàn và hành động này có thể gây tổn thương đến khu vực này.

Nguồn:Conlatatca.vn