Thảo dược thiên nhiên cho trẻ: đâu là loại an toàn?

804

các loại thảo dược thiên nhiên

Chúng ta đang có xu hướng dùng thảo dược để phòng, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe. Trên lý thuyết, thảo dược thiên nhiên được cho là lành tính. Song, với trẻ nhỏ thì không phải bất cứ loại cây, trái… nào cũng phù hợp. Đó là lý do bạn cần hiểu hơn về vấn đề này để không mắc sai lầm khi chăm bé.

Câu chuyện cho trẻ dùng thuốc là một đề tài luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phụ huynh. Tuy nhiên, đối với các loại thuốc thông thường, nếu bạn sử dụng không hợp lý vẫn có thể gây ra những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe bé. Hơn nữa, một số loại còn bị chống chỉ định dùng trên đối tượng trẻ em, chẳng hạn như aspirin.

Điều này làm cho thảo dược trở thành một thay thế an toàn hơn các loại thuốc trên. Đây cũng là lý do mà nhiều người muốn tìm hiểu và lựa chọn thảo dược thiên nhiên để trị bệnh khi chẳng may con bị ốm.

Song thực tế, việc dùng thảo dược cho trẻ không thực sự an toàn và công hiệu. Bài viết dưới đây sẽ là “kim chỉ nam” trong việc lựa chọn thảo dược an toàn cho con. Bạn đừng bỏ qua nhé!

Khi nào và vì sao lại nên cho trẻ dùng thảo dược thiên nhiên?

Thảo dược – vốn hiểu nôm na là những loại thực vật hoặc các bộ phận của chúng được dùng để làm thuốc chữa bệnh hoặc hỗ trợ điều trị một vấn đề sức khỏe nào đó. Thảo dược thiên nhiên gần như có ở quanh ta. Chúng có thể là những cây trồng trong vườn hoặc đôi khi là những gia vị cho bữa ăn ngon.

Với trẻ em, việc dùng thảo dược sẽ giúp cơ thể “đối phó” tốt với những chứng bệnh thông thường như cảm cúm, đau bụng. Ngoài ra, chúng cũng có thể làm dịu bớt cơn đau do mọc răng ở trẻ. Thậm chí, một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như thủy đậu và sởi… thảo dược cũng có thể hỗ trợ tốt.

Quay lại vấn đề trên, bạn có thể dùng thảo mộc ngay khi trẻ có dấu hiệu bị ốm hoặc sử dụng hằng ngày để tăng cường sức đề kháng. Mẹ cần biết là cơ thể trẻ em khá nhạy cảm, có thể phản ứng nhanh với các loại thảo mộc này. Vì vậy, nếu được dùng đúng cách, chúng sẽ thích ứng và cho tác dụng tốt.

Tùy vào mục đích sử dụng mà bạn có thể tận dụng phần hoa, hạt, quả mọng, quả hạch, lá, thân hay rễ cây. Lưu ý, cần tuân theo hướng dẫn cụ thể vì mỗi bộ phận của dược liệu có thể khác nhau về hoạt chất và công dụng.

Cách sử dụng thảo dược thiên nhiên cho trẻ

Với trẻ em, việc dùng thuốc có khi là “một cơn ác mộng”. Song đối với thảo dược, bạn lại có thể “giấu” chúng vào trong mỗi bữa ăn của con mình.

Một cách dễ dàng hơn để trẻ dùng thảo dược là bạn có thể nấu lên rồi cho con tắm. Với phương pháp tắm thì đã có nhiều hướng dẫn hoặc bài thuốc khác nhau được các chuyên gia nghiên cứu và đưa ra. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn an tâm về vấn đề này.

Một vài loại siro hay rượu thuốc chiết xuất từ thảo mộc hiện nay cũng có mặt trên thị trường. Trong số đó có nhiều loại dùng cho điều trị một vài triệu chứng đường hô hấp ở trẻ mà bạn có thể dễ dàng tìm mua và sử dụng.

Hướng dẫn mẹ cách để tắm cho con bằng thảo dược thiên nhiên

tắm cho trẻ bằng thảo dược thiên nhiên

Rất đơn giản, những gì bạn cần chuẩn bị là:

  • 1/4 chén thảo dược khô hoặc một nửa chén nếu sử dụng thảo dược tươi
  • Khoảng 2 lít nước nóng
  • Một chiếc nồi hoặc thố lớn có nắp đậy

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, bạn đem cho phần thảo mộc đã chuẩn bị vào chiếc nồi, sau đó cho nước nóng vào và ngâm trong khoảng 45 phút. Suốt quá trình ngâm cần dùng nắp đậy lại.
  • Hết thời gian bạn lọc lại phần thảo dược và lấy phần nước ngâm cho vào trong bồn hoặc chậu nước tắm của bé.
  • Để trẻ ngâm mình trong nước tắm ít nhất 10 phút mới có tác dụng.

Mách mẹ các loại thảo dược thiên nhiên an toàn cho trẻ

Dưới đây là những loại thảo dược thiên nhiên tốt và an toàn để có thể dùng cho trẻ:

1. Cúc kim tiền (Calendula)

thảo dược thiên nhiên cúc kim tiền

Cúc kim tiền hay còn gọi là cúc Địa Trung Hải là loại thảo dược thiên nhiên dễ trồng và được ứng dụng rất nhiều trong ngành mỹ phẩm và làm đẹp. Bên cạnh đó, loài hoa này còn rất hữu dụng trong một số vấn đề về da như chàm, viêm và sưng đỏ da, da khô ngứa cũng như các vết thương, vết do côn trùng cắn…

Ngoài ra, calendula cũng mang lại đặc tính chống nấm hiệu quả, đồng thời làm dịu và chữa lành hầu hết mọi bệnh liên quan đến nấm da.

Trong trường hợp nếu bé bị hăm tã, tưa miệng, cứt trâu… thì sử dụng cúc kim tiền sẽ có hiệu quả tốt.

Cách sử dụng

Dùng hoa cúc nấu nước tắm và cho bé ngâm mình khoảng 10 phút. Bạn cũng có thể tìm thêm một vài công thức với cúc calendula để làm ra các loại kem hoặc lotion ngoài da khác nhau. Một điều thú vị là cúc kim tiền cũng có thể được sử dụng để làm nguyên liệu cho các món ăn nữa đấy!

2. Đông trùng hạ thảo

Trong số các loại thảo dược khác nhau dành cho trẻ thì đông trùng hạ thảo được biết đến với tác dụng cải thiện hệ miễn dịch và đồng thời làm giảm nhẹ các triệu chứng như cảm lạnh, cảm cúm thậm chí là chứng nhiễm trùng tai.

Trường hợp ngay khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị bệnh, nếu cho trẻ dùng đông trùng hạ thảo thì sẽ giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số chuyên gia khuyên rằng nên cho trẻ dùng đông trùng hạ thảo trong mùa cúm sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh.

Cách sử dụng

Nếu sử dụng đông trùng hạ thảo dạng lỏng, bạn nên dùng theo giọt theo khuyến cáo của loại sản phẩm. Ngoài ra, cũng có thể dùng các loại thảo mộc khô hoặc tươi. Lưu ý là bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng nên dùng cho trẻ.

3. Hoa cúc La Mã (Chamomile)

cúc La Mã

Có thể nói, đây là loại thảo dược thiên nhiên khá phổ biến nên có sẵn trong nhà. Trong số các loại kể trên thì cúc La Mã mang lại tác dụng làm dịu và thư giãn thần kinh rất hiệu quả.

Ngoài ra, loại thảo dược này cũng giúp củng cố hệ tiêu hóa, xua tan cơn đau bụng, giảm sự lo âu, đồng thời cũng giải quyết tốt các chứng bệnh phổ biến khác ở trẻ như đau bụng, trào ngược axit, khó tiêu…

Dịch chiết cúc La Mã khi bôi ngoài da còn đem lại tác dụng giúp vết thương mau lành và làm dịu da khi bị kích ứng.

Cách sử dụng

Bạn nên nấu nước tắm với cúc La Mã để cho trẻ ngâm mình trước khi đi ngủ. Ngoài ra, loại thảo dược này khi pha trà sẽ đem lại mùi vị rất thơm ngon và trợ tiêu hóa tốt.

4. Hoàng Kỳ (Astragalus)

Cũng như đông trùng hạ thảo, hoàng kỳ cũng được biết đến với tác dụng giúp cải thiện miễn dịch cho trẻ. Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo vệ con bạn trước những mầm bệnh bên ngoài.

Cách sử dụng

Thêm một lát rễ hoàng kỳ vào một ấm pha trà hoặc cho vào trong các món súp, hầm hay đơn giản hơn bạn có thể bỏ vào cơm để nấu chung. Bản thân rễ không được khuyến cáo tiêu thụ, nhưng nó có thể giải phóng ra các hoạt chất có lợi cho sức khỏe trong quá trình được đun sôi.

5. Elderberries: cơm cháy đen

thảo dược thiên nhiên quả cơm cháy đen

Được mệnh danh là loài cây của xứ thần tiên, đây là loại berry mà được lứa tuổi học trò tại các nước Âu Mỹ khá ưa thích.

Ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng, loại quả cơm cháy đen này rất tốt trong việc phòng và chữa bệnh. Đặc biệt là các vấn đề như cảm lạnh, ho, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Hoa từ loài cây cơm cháy đen cũng được nhiều người sử dụng để chữa chứng nghẹt mũi nặng.

Cách sử dụng

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều sản phẩm siro chiết xuất từ cây cơm cháy đen để bổ trợ hệ miễn dịch. Thêm nữa, bạn có thể tìm mua hoa để nấu nước tắm cho bé tương tự như các loại thảo dược trên.

Điều quan trọng mà mẹ cần lưu ý trước khi cho con sử dụng bất kỳ loại thảo dược thiên nhiên nào là cần chắc chắn trẻ không bị dị ứng với nó, sử dụng đúng liều lượng. Nếu không chắc chắn, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia về dược liệu để tránh xảy ra những tác động bất lợi đến trẻ.

Nguồn:Marry Baby