Bạn có biết rằng, giai đoạn từ sáu đến mười hai tháng chính là thời điểm mà đa số trẻ đã bắt đầu mọc răng? Lúc này, các bé yêu đã có khả năng cắn, nhai được nhiều loại thực phẩm tương đối rắn. Do đó, mẹ cần chú ý hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để lên thực đơn cho trẻ 1 tuổi ăn dặm nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của con.
Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ 1 tuổi rất quan trọng. Bởi lẽ đây là giai đoạn mà các bé đang có sự phát triển mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần.
Nhìn chung, thực đơn cho trẻ 1 tuổi không dừng lại ở mức phải đảm bảo các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như chất bột, đường đạm, béo… mà còn phải đảm bảo sự đa dạng, hấp dẫn tạo cảm giác ngon miệng khi bé dùng bữa.
Với những gợi ý thú vị sau đây, chắc hẳn là những bà mẹ sẽ không còn phải đau đầu suy nghĩ hôm nay cho con ăn gì. Cùng lưu lại thực đơn và những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm từ Marry Baby dưới đây nhé!
Danh mục những thực phẩm nên có trong thực đơn cho trẻ 1 tuổi ăn dặm
Việc làm mẹ quả không hề dễ dàng, bởi lẽ không chỉ sinh con ra là xong mà các mẹ còn cả quá trình nuôi dạy con với vô phàn khó khăn và phức tạp ở phía trước. Với những trường hợp lần đầu làm mẹ, có lẽ bạn sẽ không khỏi băn khoăn đâu mới là thực phẩm dùng được cho trẻ 1 tuổi? Chính vì vậy, điều cần làm là bạn tham khảo ngay những gợi ý phía dưới đây:
1. Ngũ cốc
Sự thật là trẻ mới sinh ra sẽ nhận được nguồn sắt từ mẹ qua nhau thai. Tuy nhiên, theo thời gian lượng sắt dự trữ trong trẻ cạn dần. Do vậy, không chỉ với giai đoạn 1 tuổi, ngay từ khi trẻ được 6 tháng các chuyên gia đã khuyến cáo cần cung cấp các thực phẩm giàu sắt cho trẻ.
Ngũ cốc là loại thực phẩm vô cùng giàu thành phần khoáng chất này. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này cũng rất dễ để tiêu hóa và hấp thu nữa. Ngoài ngũ cốc, mẹ cũng có thể thay thế bằng bột yến mạch hoặc lúa mì.
2. Dưa chuột (Dưa leo)
Dưa chuột là thực phẩm đã quá quen thuộc với mọi người. Thế nhưng ít ai biết được rằng nó còn là thực phẩm tuyệt vời để thêm vào thực đơn cho trẻ 1 tuổi ăn dặm đấy.
Điểm qua một chút về thành phần dinh dưỡng, dưa chuột có một lượng dồi dào vitamin A và C. Ngoài ra còn có cả canxi, kali cùng một số khoáng chất thiết yếu như selen.
Trong những ngày nóng oi bức thì dưa chuột sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan để ngăn mất nước. Gợi ý là để bé dùng dễ dàng, bạn có thể cắt dưa theo chiều dọc, tạo thành những hình dạng giống khoai tây chiên kiểu Pháp.
3. Súp rau củ
Món ăn dinh dưỡng này đem lại vô vàn những lợi ích từ các loại rau củ. Chẳng hạn như, món súp cà rốt có nhiều vitamin A tốt cho mắt hay một bát súp khoai tây thơm béo giàu chất xơ lại giúp ngừa táo bón hiệu quả.
4. Đậu nành
Đã từ lâu, đậu nành trở thành nguồn cung protein thay thế cho những người ăn chay. Đậu phụ, món ăn được chế biến từ đậu nành vừa có kết cấu mềm, dễ tiêu hóa vừa bổ dưỡng rất lý tưởng để thêm vào chế độ ăn cho bé.
5. Thịt
Các loại thịt như gà, bò, thịt nạc heo… là nguồn dồi dào protein, cũng như sắt, riboflavin, niacin và kẽm. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là nên xay nhuyễn thịt để trẻ dễ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn. Các chuyên gia cũng khuyên bạn không nên băm nhỏ thịt nếu bé chưa giỏi ăn thực phẩm thô vì có thể khiến trẻ dễ bị sặc.
6. Cá
Khi chế biến cá, bạn nên nhớ rằng việc chiên rán sẽ khiến thịt cá mất đi nhiều giá trị dinh dưỡng. Do đó, bạn có thể hấp cá cho bé dùng và lưu ý là khi cho bé ăn nên đảm bảo không còn xương.
7. Củ cải đường
Củ cải đường chứa axit folic, kali và beta-carotene cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bạn có thể nướng hoặc hấp cho đến khi củ cải đường mềm và sau đó nghiền nát hoặc cắt thành thanh dài cho trẻ dùng.
Loại thực phẩm này được các chuyên gia khuyến cáo nên dùng cho trẻ từ 11 tháng tuổi trở lên.
Lạ miệng với thực đơn cho trẻ 1 tuổi ăn dặm
Mẹ hãy cùng vào bếp ngay để “chiêu đãi” con những món ăn hấp dẫn sau đây nhé!
1. Bánh táo chiên giòn rụm
Táo là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, kết hợp cùng với trứng và bột mì thì đây là món ăn nhất định bạn nên cho bé thử!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Táo: 2 quả
- Trứng: 2 quả
- Bột mì
- Vụn bánh mì (hoặc bột chiên xù)
Cách thực hiện:
- Táo rửa sạch, gọt bỏ vỏ, cắt khoanh và bỏ lõi ở giữa. Bạn nên lựa chọn táo organic để đảm bảo an toàn cho bé.
- Trứng đập vào bát sau đó đánh đều
- Bột mì đem đổ vào một chiếc bát hoặc đĩa sâu lòng, cho phần trứng đã đánh đều ở trên vào trộn đều.
- Đặt chảo không dính lên bếp đun cho nóng, cho dầu vào.
- Nhúng từng miếng táo đã chuẩn bị ở trên vào hỗn hợp bột và trứng cho đều. Sau đó, bạn rắc vụn bánh mì hoặc bột chiên xù lên miếng táo.
- Thả từng miếng táo đã tẩm bột vào chảo, rán vàng đều 2 mặt. Táo rán chín cho vào dĩa có để giấy thấm dầu. Đợi nguội rồi cho trẻ dùng ngay.
2. Bánh mì nướng Pháp
Một bữa ăn nhẹ sẵn sàng nhanh chóng phù hợp cho buổi sáng và buổi chiều.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Bánh mì nâu: 2 lát
- Trứng: 1 quả
- Chuối: 1 quả
- Sữa tươi: 1 cốc
- Dầu ăn
Cách thực hiện:
- Chuối bóc vỏ, cắt miếng nhỏ và nghiền nhuyễn trong 1 cái tô.
- Đổ sữa, đập trứng vào tô chuối. Sau đó dùng dụng cụ đánh trứng đánh đều để hỗn hợp đạt độ sệt nhất định.
- Cho dầu vào chảo không dính, mở lửa vừa để làm nóng dầu.
- Tiếp đến nhúng bánh mì vào hỗn hợp đã chuẩn bị ở trên và chiên cho đến khi vàng giòn
3. Bánh bí đỏ nhân tôm thịt
Với hương vị thơm ngon không thể chối từ, đây sẽ là món ăn nên có trong thực đơn cho trẻ 1 tuổi ăn dặm.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Bột nếp: 200g
- Bột bắp hoặc bột năng: khoảng 3 thìa canh
- Bí đỏ: 500g
- Thịt nạc băm: 300g
- Hành củ.
Cách thực hiện:
- Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ.
- Bắc chảo lên bếp, chả nóng, đổ dầu vào, đợi dầu nóng thì cho hành vào phi cho thơm. Tiếp theo, bạn cho thịt vào đảo đều, chờ khi thịt săn cho chút bột nêm và hạt tiêu vào đảo đều rồi đổ ra bát.
- Bí đỏ gọt bỏ vỏ, rửa sạch, hấp chín, vớt ra để nguội. Sau đó, tán nhuyễn bí trong một cái tô hoặc thố rồi đổ bột nếp, bột bắp vào nhào cho mịn dẻo. Nếu bột vẫn nhão thì tiếp tục cho thêm bột nếp khô vào nhào tiếp.
- Vo tròn những viên bột, ấn dẹt cho cho nhân thịt vào giữa, sau đó gấp mép bột lại, tiếp tục vo tròn. Dùng một que tăm để tạo các khứa múi bí đều nhau
- Cắt một miếng bí nhỏ để làm phần cuống bí.
- Đem hấp các trái bí tầm 10 – 12 phút là được. Chờ cho bánh nguội rồi xếp ra dĩa. Chú ý khi xếp bánh vào xửng hấp, bạn nên để bánh có khoảng cách, tránh để dính nhau.
4. Cháo hạt sen
Cháo hạt sen mang lại nhiều dưỡng chất và tốt cho sức khỏe. Công thức chế biến cũng vô cùng đơn giản:
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Bột gạo: 20g
- Hạt sen: 20g
- Thịt lợn: 20g
- Dầu ăn trẻ em: 1 thìa nhỏ
- Nước: 250ml
Cách thực hiện:
- Hạt sen ngâm, rửa sạch sau đó luộc hoặc hấp chín, xay nhuyễn.
- Thịt heo rửa sạch, thái miếng nhỏ, xay nhuyễn rồi cho vào nối nấu với 250ml nước.
- Tiếp đến cho hạt sen xay nhuyễn vào nồi thịt nấu nhỏ lửa, cuối cùng cho bột gạo vào khuấy thành cháo. Cháo chín thì tắt bếp, múc cháo ra bát, đợi cho nguội bớt thì cho thìa dầu ăn vào, trộn đều và cho bé ăn khi cháo còn ấm.
Một số mẹo khi cho trẻ ăn dặm
- Theo dõi từng loại thức ăn mà con bạn tiêu thụ. Nên cho ăn từng ít một riêng lẻ để dễ dàng nhận biết bé dị ứng với loại thwucj phẩm nào.
- Không nên chuyển từ thức ăn lỏng sang đặc ngay lập tức. Thay vào đó, nên đi từ thức ăn kết cấu lỏng sang hơi đặc trước khi chuyển hẳn sang thực phẩm có kết cấu đặc.
- Thời gian tốt nhất trong ngày để cho bé ăn thức ăn đặc là khi chúng vừa thức dậy vào buổi sáng hoặc sau một giấc ngủ ngắn.
- Có thể sẽ mất nhiều lần thử để trẻ làm quen được với một món ăn mới. Đôi khi bé cũng có thể không thích một loại thực phẩm nào đó vì vậy không nên ép trẻ ăn
- Một số trẻ có thể ăn ít hơn vào một số ngày nhất định và điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trường hợp trẻ ăn ít hơn 3 – 4 ngày liên tục, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Không nên ngừng cho trẻ ăn khi bé bị tiêu chảy.
Với những gợi ý trên đây, Marry Baby hy vọng rằng sẽ giúp bạn lên một thực đơn cho trẻ 1 tuổi ăn dặm phù hợp theo điều kiện cụ thể của con mình. Hãy chia sẻ thêm nếu bạn có những món ăn dặm thú vị khác nhé!
Nguồn:Marry Baby